Fica
  1. Quốc tế

Ca Covid-19 tăng chóng mặt, Thái Lan nguy cơ lỡ kế hoạch mở cửa

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Kế hoạch mở cửa trở lại của Thái Lan trong khoảng 100 ngày đang có nguy cơ chệch hướng vì các ca nhiễm Covid-19 mới đang tăng mạnh những ngày qua.

Ca Covid-19 tăng chóng mặt, Thái Lan nguy cơ lỡ kế hoạch mở cửa - 1

Khách du lịch quốc tế tại bãi biển Patong ở Phuket, Thái Lan hôm 7/7 (Ảnh: AP).

Thái Lan ngày 8/7 báo cáo 7.000 ca nhiễm mới và 75 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Đây thực sự là số ca nhiễm kỷ lục tại một quốc gia vốn được xem là hình mẫu chống dịch như Thái Lan, khi có những thời điểm số ca nhiễm ở nước này giảm xuống mức một con số.

Nhưng làn sóng dịch đang bùng phát khắp quốc gia Chùa Vàng do biến chủng Delta. Tình trạng hiện nay đẩy hệ thống y tế của Thái Lan rơi vào tình trạng căng thẳng tột độ. Các bệnh viện đã báo cáo hết giường điều trị cho những bệnh nhân nặng.

Hồi đầu tuần này, các giới chức thông báo có kế hoạch lập bệnh viện dã chiến tại một nhà ga sân bay. Bệnh viện này sẽ có ít nhất 5.000 giường bệnh và có cả cơ sở chăm sóc đặc biệt dành cho những bệnh nhân nặng.

Những diễn biến này cũng đồng nghĩa với việc Thái Lan gần như sẽ phải hoãn kế hoạch mở cửa trở lại.

Bài toán khó cho ngành du lịch

Từng là một điểm đến hấp dẫn và thu hút du khách, ngành du lịch của Thái Lan giờ đây bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Tháng trước, Thủ tướng Prayut Chan-ocha đặt mục tiêu 120 ngày mở cửa trở lại hoàn toàn đối với du khách nước ngoài đã tiêm đủ vắc xin. Ông cho biết, Thái Lan không thể "đợi đến khi tất cả mọi người đều được tiêm đầy đủ hoặc khi thế giới sạch bóng Covid-19 mới mở cửa trở lại".

Đầu tuần trước, Phuket, điểm du lịch nổi tiếng của nước này, đã mở cửa đón những du khách đầu tiên trở lại theo một chương trình thí điểm nhằm phục hồi ngành du lịch có tên gọi "Hộp cát Phuket". Khoảng 2.000 du khách, đã tiêm vắc xin đầy đủ và được chứng nhận không mắc Covid-19 đã đến Phuket cho đến nay.

Nhưng vừa mở cửa vài ngày, Phuket hôm thứ 7/7 đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 người nước ngoài đầu tiên - một nam du khách đến từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cách duy nhất để giải quyết vấn đề hiện nay là phong tỏa. Tiến sĩ Anan Jongkaewwattana, Giám đốc đơn vị nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia về Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học, nói với Bloomberg: "Lối thoát duy nhất cho Thái Lan là phong tỏa nghiêm ngặt".

Theo ông, nếu tiếp tục chần chừ, làn sóng dịch bùng phát ở Thái Lan sẽ còn tồi tệ hơn so với Indonesia, quốc gia hiện đang chứng kiến hơn 30.000 ca nhiễm mỗi ngày. Ông cảnh báo Thái Lan có thể sẽ phải chứng kiến 20.000 ca mỗi ngày trong vài tháng tới nếu không hành động quyết liệt.

Mặc dù hiện chính phủ đã ra lệnh hạn chế đối với các nhà hàng và công trình xây dựng, nhưng vẫn chưa thể phong tỏa nghiêm ngặt hoàn toàn. Một số doanh nghiệp cũng phàn nàn rằng, họ không thể chịu đựng thêm nữa. "Nếu nhà hàng của tôi tiếp tục đóng cửa, tôi sẽ làm gì? Liệu tôi có phải từ bỏ mọi thứ mà tôi đã gầy dựng bao năm và sa thải toàn bộ nhân viên hay không", một chủ nhà hàng nói với BBC.

Thái Lan cũng đang gặp khó khăn trên mặt trận tiêm chủng khi không đạt mục tiêu tiêm vắc xin mỗi tháng 10 triệu liều. Theo BBC, người dân ngày càng phẫn nộ về việc chính phủ không đặt mua đủ số vắc xin cần thiết trong khi nguồn cung vắc xin đã cạn kiệt.

Khoảng 15% dân số Thái Lan đã tiêm ít nhất một liều vắc xin, trong khi 4,3% trong tổng số đó đã tiêm đầy đủ 2 mũi.

Thanh Thành

Theo BBC