Một người bán thịt ven đường tại thủ đô Caracas, Venezuela (Ảnh: AFP)
Tại thành phố Maracaibo, nơi từng được xem là Ả-rập Xê-út của Venezuela vì trữ lượng giàu mỏ lớn, người dân đang phải xếp hàng để mua thịt ôi về chế biến. Tình trạng mất điện luân phiên suốt 9 tháng qua đã khiến tủ lạnh tại các cửa hàng không thể hoạt động ổn định và tình trạng này có xu hướng tệ hơn gần đây.
Một số người đã gặp các vấn đề về sức khỏe khi ăn thịt bò bị ôi. Tuy nhiên với mức giá rẻ, đó là cách duy nhất để họ có thể bổ sung protein cho cơ thể khi cuộc khủng hoảng tại Venezuela sắp chạm đáy.
“Thịt đã bốc mùi hôi, nhưng bạn có thể rửa chúng với một ít giấm và chanh”, AP dẫn lời Yeudis Luna, cha của 3 đứa trẻ, cho biết khi đứng mua những miếng thịt bị thâm đen tại một cửa hàng thịt ở Maracaibo, thành phố lớn thứ hai của Venezuela.
Năm ngoái, vợ ông đã rời khỏi Venezuela, bỏ lại 3 đứa con lần lượt 6 tuổi, 9 tuổi và 10 tuổi. Luna nói rằng vợ ông không thể chịu đựng được cuộc sống đói nghèo tại quê nhà thêm nữa. Từ đó đến nay, Luna cũng không nghe thấy tin tức gì từ vợ mình.
Luna, một nhân viên bảo vệ bãi đỗ xe, đã mua 1kg thịt về nhà mặc dù biết rằng chúng không còn tươi ngon. Tuy nhiên, người đàn ông 55 tuổi này biết cách chế biến để miếng thịt có thể ăn được.
Luna cho biết đầu tiên ông sẽ rửa thịt với nước trước khi ngâm với giấm và để qua đêm. Sau đó, ông sẽ vắt hai quả chanh và nấu thịt với một quả cà chua cùng nửa củ hành tây. Chế biến xong, Luna và các con ông vẫn thưởng thức món ăn như bình thường.
“Tôi cũng sợ rằng bọn trẻ sẽ bị bệnh vì chúng vẫn còn nhỏ. Nhưng mới chỉ có một đứa bị tiêu chảy và nôn thôi”, Luna cho biết.
Trong suốt 9 tháng qua, người dân ở Maracaibo phải sống trong cảnh mất điện luân phiên. Mọi việc trở nên tồi tệ hơn vào ngày 10/8 khi một trận hỏa hoạn đã đốt cháy đường dây điện chính vốn cung cấp điện cho thành phố với 1,5 triệu dân này.
6 bang tại Venezuela bắt đầu cắt điện luân phiên từ tháng 3 do tình trạng hạn hán khiến mực nước giảm đi.
“Chúng tôi đã không có điện suốt 14 giờ trong ngày hôm nay. Hôm qua điện cũng lúc được lúc mất và chúng tôi sống trong cảnh không có điện suốt 6 giờ”, Ligthia Marrero, một người dân sống ở bang San Cristobal, chia sẻ.
Mất điện khiến các tủ lạnh ngừng hoạt động và thịt bắt đầu ôi. Ít nhất 4 cửa hàng thịt đã được nhìn thấy bày bán thịt hỏng tại Las Pulgas - khu chợ trung tâm ở Maracaibo.
Ông Johel Prieto, một chủ cửa hàng thịt, cho biết tình trạng mất điện khiến toàn bộ thịt bò bị ôi. Ông buộc phải xay thịt hỏng và trộn lẫn với thịt tươi để có thể che giấu số thịt ôi thiu trước khi bán cho khách.
Ông Prieto đặt lên bàn một khay thịt xay có rắc tiêu cay và một khay thịt xám đen để khách lựa chọn. Có nhiều người đến hỏi mua, một số mua về cho chó, còn số khác mua về để nấu cho gia đình.
“Đương nhiên là họ vẫn phải ăn thịt thôi. Thức ăn dành cho người nghèo là thức ăn ôi”, Prieto cho biết.
Dọc lối đi trong chợ là một quầy thịt khác. Một người bán hàng cởi trần, hút thuốc và bày ra những khay với dải thịt xám đen.
“Mọi người vẫn phải mua thịt về ăn”, Joe Aguirre nói trong khi bày thịt gà ôi ra bán.
Khủng hoảng kinh tế
Venezuela đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng với tốc độ lạm phát phi mã khi đồng nội tệ bolivar còn rất ít giá trị. Trong ảnh: 1 kg thịt gà có giá 16,6 triệu bolivar (tương đương 2,22 USD) (Ảnh: Reuters)
Người dân Venezuela đang trải qua đợt khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử của đất nước giàu dầu mỏ này. Các dịch vụ cơ bản như điện và nước đã trở thành hàng hóa xa xỉ tại Venezuela.
Tổng thống Nicolas Maduro đổ lỗi cho Mỹ và các cường quốc tư bản gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela. Omar Prieto, Thống đốc bang Zulia với thủ phủ là thành phố Maracaibo, gần đây cho biết vấn đề mất điện không kiểm soát đã được khắc phục. Tuy vậy, tình trạng vẫn không khá khẩm hơn.
Thành phố cảng Maracaibo nằm bên bờ một hồ nước lớn từng là trung tâm sản xuất dầu của Venezuela với sản lượng chiếm tới một nửa lượng dầu thô của quốc gia này và được xuất khẩu ra toàn thế giới.
Cây cầu bắc qua hồ Maracaibo vẫn đứng đó và được xem là biểu tượng gợi nhắc lại những thời kỳ rực rỡ của đất nước Venezuela. Công trình dài 8km này được xây dựng từ cách đây 5 năm và từng được thắp sáng suốt cả đêm với hàng nghìn ngọn đèn, kết nối Maracaibo với phần còn lại của Venezuela. Maracaibo khi đó là một thành phố sạch sẽ với nhịp sống nhộn nhịp của các nhà hàng nước ngoài.
Nhưng đó là câu chuyện của trước đây. Còn bây giờ, cầu Maracaibo không còn chiếu sáng nữa. Các trung tâm thương mại xa hoa trước đây cũng rơi vào cảnh đổ nát trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đóng gói và rời khỏi Venezuela.
Người dân Venezuela đã bỏ trốn sang các quốc gia lân cận từ nhiều năm nay với mong muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị trong nước. Họ có thể nhập cảnh vào Colombia và Ecuador bằng cách sử dụng thẻ căn cước. Tuy nhiên, Ecuador gần đây đã thay đổi quy định, yêu cầu người nhập cư phải có hộ chiếu mới được phép nhập cảnh vào nước này sau khi chứng kiến hơn 4.000 người nhập cư tại khu vực biên giới mỗi ngày trong suốt 15 tháng qua.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuần trước đã công bố hàng loạt biện pháp nhằm khắc phục tình trạng siêu lạm phát, bao gồm việc xóa 5 số 0 trên đồng nội tệ Bolivar. Mục đích của việc làm này nhằm khắc phục tình trạng siêu lạm phát tại Venezuela mà theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tới 1 triệu %.
Thành Đạt
Tổng hợp