Lãnh đạo 4 nước Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ họp trực tuyến hôm 12/3 nhằm bàn bạc về chiến lược của nhóm "Bộ Tứ" (Ảnh: AFP).
Reuters đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla ngày 12/3 thông báo, trong cuộc họp đầu tiên của lãnh đạo các nước thuộc "Bộ Tứ" - gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, các nước này đã thống nhất cấp nguồn tài chính, năng lực sản xuất và phân phối để có thể đưa 1 tỷ liều vắc xin Covid-19 đi khắp châu Á cho tới cuối năm 2022.
"Bộ Tứ" muốn hỗ trợ các nước mở rộng nỗ lực tiêm chủng toàn cầu và thách thức chiến dịch "ngoại giao vắc xin" của Trung Quốc ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới. Ấn Độ hiện đang là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới.
Ông Shringla nhận định sự hợp tác này là "cấp bách và có giá trị nhất".
"Bốn quốc gia đã đồng ý kế hoạch tập hợp các nguồn lực tài chính, khả năng và năng lực sản xuất cũng như sức mạnh hậu cần của mình để tăng cường sản xuất và phân phối vắc xin COVID-19 ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", ông Shringla phát biểu trong một cuộc họp báo ở New Delhi sau khi lãnh đạo 4 nước "Bộ Tứ" họp trực tuyến vào tối qua.
"Chúng tôi tin rằng chiến dịch này sẽ giúp đẩy nhanh nỗ lực phục hồi hậu đại dịch và giúp các gia đình và doanh nghiệp có thể đẩy cuộc khủng hoảng Covid-19 lùi về phía sau", ông Shringla nhấn mạnh.
Ấn Độ sẽ sử dụng năng lực sản xuất của mình để sản xuất vắc xin của Mỹ, với nguồn tài chính đến từ Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. Trong khi đó, Australia sẽ tài trợ cho việc đào tạo và cung cấp hỗ trợ hậu cần cho nhiệm vụ phân phối vắc-xin, chủ yếu sẽ đến các đảo Thái Bình Dương, Đông Nam Á và các nước ở Ấn Độ Dương.
Theo Reuters, Trung Quốc hiện đã cam kết cung cấp hàng trăm triệu liều vắc xin Covid-19 tự sản xuất cho các nước trên toàn thế giới, từ châu Á, châu Âu cho tới Mỹ Latinh thông qua xuất khẩu và viện trợ, làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng mô hình "ngoại giao vắc xin" để gia tăng tầm ảnh hưởng tại các quốc gia nhận được sự hỗ trợ.
Trước đó, Trung Quốc cho rằng những lo ngại về việc Bắc Kinh dùng vắc xin để gây ảnh hưởng tới các nước khác chỉ là "tư tưởng hẹp hòi". Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định mục đích của nước này là đưa vắc xin trở thành mặt hàng sẵn có toàn cầu.
"Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do là cần thiết"
Trong cuộc họp ngày 12/3, các nhà lãnh đạo 4 nước cũng đã đưa ra nhiều cam kết quan trọng với tình hình khu vực và thế giới nhằm duy trì hòa bình, ổn định và chống lại các thách thức ở khu vực.
Phát biểu trong cuộc họp, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định rằng: "Một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở là điều cần thiết cho tương lai của chúng ta. Mỹ cam kết sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực để đảm bảo sự ổn định".
Nhà Trắng cho biết, cuộc họp cho thấy ông Biden coi trọng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong việc hoạch định chính sách.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng ông muốn 4 nước "hành động mạnh mẽ để hướng tới việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, và đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, bao gồm cả mục tiêu cùng vượt qua đại dịch Covid-19".
Ấn Độ và Australia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác an ninh khu vực, vốn đã được được tăng cường qua các cuộc họp cấp thấp hơn trước đó của 4 nước.
Trước cuộc họp, một quan chức cấp cao Mỹ nói rằng sự kiện bao gồm một cuộc đối thoại "chân thành, cởi mở về vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế", đề cập đến "những thách thức trong khu vực" đối với thương mại tự do và cởi mở.
Đức Hoàng
Theo Reuters