Fica
  1. Quốc tế

Bí mật của một trong những "cỗ máy" sản xuất tỷ phú vĩ đại nhất thế giới

Mắc sai lầm trong những thương vụ đầu tư vào WeWork, Greensill và Wirecard nhưng không thể phủ nhận rằng doanh nghiệp dưới đây vẫn là một trong những "cỗ máy" sản xuất ra nhiều tỷ phú nhất thế giới.

Masayoshi Son từng mắc những sai lầm đáng xấu hổ. Tập đoàn SoftBank của ông đã chi hàng tỷ USD cho WeWork của Adam Neumann để rồi sau đó chịu thiệt hại nặng nề khi startup "phát nổ".

SoftBank từng đánh cược rằng Lex Greensill sẽ làm nên một cuộc cách mạng hóa ngành tài chính. Nhưng công ty của Greensill là Greensill Capital vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 8/3 và phải đối mặt với sự giám sát của pháp luật.

SoftBank cũng từng hỗ trợ cho Wirecard. Nhưng vào ngày 25/6/2020, công ty thanh toán của Đức này phải nộp đơn xin phá sản sau tin tức lượng tiền mặt 1,9 tỷ euro (khoảng 2,1 tỷ USD) đã "biến mất" khỏi bảng cân đối kế toán.

Song, ông Son vẫn có những khoản đầu tư thành công nhất định.

Bí mật của một trong những cỗ máy sản xuất tỷ phú vĩ đại nhất thế giới - 1

Tập đoàn SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son vẫn là một trong những "cỗ máy" sản xuất ra nhiều tỷ phú nhất thế giới (Ảnh: Bloomberg).

Tháng 3, công ty Coupang của Hàn Quốc thực hiện thương vụ IPO "bom tấn" tại New York, giúp khối tài sản của nhà đồng sáng lập Bom Kim vọt lên 8,6 tỷ USD sau khi giao dịch đầu tiên. Coupang đóng góp 24,5 tỷ USD vào lợi nhuận của quỹ đầu tư của SoftBank - Vision Fund.

Tháng 2, giá cổ phiếu của chợ bán ô tô đã qua sử dụng - Auto1 Group - cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên, đưa giá trị cổ phần mà SoftBank nắm giữ tại đây tăng lên 11,9 tỷ USD từ mức 680 triệu USD vào năm 2018.

Vài tháng trước đó, giá cổ phiếu của nền tảng giao hàng DoorDash tăng tới 92% trong ngày đầu giao dịch, đưa giá trị khoản đầu tư của SoftBank vào công ty này lên tới 9 tỷ USD tính tới tháng 2, so với mức đầu tư ban đầu là 680 triệu USD.

Những thương vụ đáng nể đó đã giúp củng cố danh tiếng của ông Son với tư cách là một trong những nhà tài chính khởi nghiệp có ảnh hưởng nhất châu Á. Nhiều công ty khác mà SoftBank đang đầu tư cũng sẽ sớm niêm yết. Ông Son dự đoán trong danh mục đầu tư gồm gần 160 startup của SoftBank, sẽ có tới 20 công ty thực hiện thương vụ IPO mỗi năm. Một số công ty được thị trường mong đợi IPO nhất là công ty dịch vụ gọi xe Grab Holdings của Singapore, startup có giá trị nhất thế giới ByteDance và công ty gọi xe của Trung Quốc Didi Chuxing Technology.

Justin Tang - giám đốc nghiên cứu châu Á tại United First Partners - nhận định: "Son là kiểu người 'hoặc chơi lớn hoặc là về nhà'. Nói cách khác, đầu tư lớn và táo bạo là thứ đã ăn vào máu của ông ấy".

SoftBank được thành lập với mục đích ban đầu là làm nhà phân phối phần mềm tại Nhật Bản và sau đó mới chuyển sang đầu tư vào công nghệ và viễn thông. Năm 2017, tập đoàn này ra mắt quỹ đầu tư Vision Fund sở hữu 100 tỷ USD. Mới đây, Vision Fund công bố lợi nhuận hàng năm của quỹ đạt 37 tỷ USD. Với nhiều khoản đầu tư thành công, SoftBank của ông Son cũng trở thành một trong những "cỗ máy" sản xuất tỷ phú vĩ đại nhất thế giới.

"Chúng ta chỉ sống một lần trên đời vì thế tôi muốn nghĩ lớn. Tôi không có ý định đặt cược với quy mô nhỏ", Son - người hiện sở hữu hơn 32 tỷ USD theo Bloomberg Billionaires Index - từng nói vào năm 2017.

Dưới đây là danh sách tỷ phú do SoftBank tạo ra:

1. Slack

Stewart Butterfield: 1,7 tỷ USD

Ứng dụng trò chuyện tại nơi làm việc của Stewart Butterfield đã gây chấn động giới nhân viên văn phòng trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Slack thu hút được sự chú ý của SoftBank vào năm 2017 và quỹ Vision Fund của tập đoàn quyết định rót 250 triệu USD nhằm đưa ứng dụng này trở thành một công cụ chính thống tại nơi làm việc.

Sau này, Slack - được niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2019 - đạt được thỏa thuận trị giá 27,7 tỷ USD để bán mình cho Salesforce của Marc Benioff.

2. Uber

Travis Kalanick: 3,9 tỷ USD

Garrett Camp: 3,3 tỷ USD

Ryan Graves: 1,3 tỷ USD

Hãng gọi xe của Travis Kalanick vừa là bước ngoặt lớn nhất vừa là thương vụ vĩ đại nhất của SoftBank. Uber đã sử dụng khoản vốn trị giá hàng tỷ USD từ Vision Fund và các nhà đầu tư tên tuổi khác để tích cực mở rộng mạng lưới ra ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng thua lỗ nặng nề buộc Uber phải rút khỏi thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á, nhường lại sân chơi đó cho Didi và Grab.

Trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu Uber giảm nhưng khi đó, các nhà đồng sáng lập của công ty là Kalanick, Garrett Camp và nhân viên đầu tiên của hãng, Ryan Graves, đều đã trở thành tỷ phú.

3. Auto1

Christian Bertermann: 1,6 tỷ USD

Hakan Koç: 1,6 tỷ USD

Auto1 là một trong những công ty có IPO lớn nhất và thành công nhất châu Âu trong năm nay. Giá cổ phiếu của công ty này tăng 49%, mang lại cho hai nhà đồng sáng lập - Christian Bertermann và Hakan Koç 1,6 tỷ USD mỗi người. Vision Fund của SoftBank đầu tư vào Auto1 từ năm 2017 với hơn 460 triệu euro (558 triệu USD) và công ty khởi nghiệp này hiện có định giá hơn 11 tỷ USD.

4. Opendoor

Eric Wu: 1 tỷ USD

Eric Wu lần đầu tiên bước chân vào lĩnh vực bất động sản khi còn là sinh viên Đại học Arizona. Trong "tâm bão" dịch Covid-19, ông đã IPO thành công Opendoor vào tháng 12/2020 thông qua SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt). Năm 2018, Vision Fund rót 400 triệu USD vào Opendoor. Mặc dù vẫn đang thua lỗ, mô hình của Opendoor đang được rất nhiều công ty khởi nghiệp và niêm yết, từ Zillow tới Redfin, bắt chước.

5. DoorDash

Tony Xu: 2,8 tỷ USD

Andy Fang: 2,6 tỷ USD

Stanley Tang: 2,5 tỷ USD

Dịch vụ giao đồ ăn phổ biến nhất tại Mỹ - DoorDash - đã dẫn trước các đối thủ như Uber Eats trong thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19. Tony Xu, Andy Fang và Stanley Tang, mỗi người đều sở hữu khối tài sản trị giá hơn 2 tỷ USD.

3 người thành lập DoorDash hơn 7 năm trước khi còn là sinh viên của Đại học Stanford, với hy vọng có thể cách mạng hóa ngành thực phẩm. Họ được SoftBank rót khoảng 680 triệu USD vào năm 2018 và khoản đầu tư này hiện có giá trị 9 tỷ USD.

6. KE Holdings

 Zuo Hui: 11 tỷ USD

Peng Yongdong: 1,4 tỷ USD

KE Holdings của Zuo Hui vẫn là một trong những thương vụ đầu tư thành công của SoftBank. Giá cổ phiếu của KE Holdings tăng gần gấp đôi trong phiên giao dịch đầu tiên tại Mỹ vào tháng 8/2020, đưa nhà sáng lập Zuo Hui lên vị trí cao trong Bloomberg Billionaires Index. SoftBank đầu tư 1,35 tỷ USD cho KE vào năm 2019, đưa định giá của công ty lên 10 tỷ USD. Công ty hiện có giá trị gấp khoảng 6 lần con số đó.

7. Coupang

Bom Kim: 8,6 tỷ USD

Được biết đến là Amazon của Hàn Quốc, giá cổ phiếu của Coupang tăng 97% ngay trong phiên giao dịch đầu tiên hồi tháng 3. Đây là đợt IPO lớn nhất tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc, giúp nhà đồng sáng lập Bom Kim trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Coupang được SoftBank rót 1 tỷ USD vào năm 2015 và được Vision Fund rót thêm 2 tỷ USD vào 3 năm sau đó. Hiện tại, mô hình dịch vụ giao hàng trong một ngày của Coupang được các trang thương mại điện tử trên khắp châu Á ăn theo.

8. ZhongAn

Ou Yafei: 1,2 tỷ USD

Công ty bảo hiểm trực tuyến ZhongAn không gây được nhiều sự chú ý và hào hứng như những thương vụ khác của SoftBank, dù được các nhà đầu tư có tên tuổi như Jack Ma và Ant/Alibaba, Tencent của Pony Ma và Công ty bảo hiểm Ping An hậu thuẫn. Trong phiên giao dịch đầu tiên vào năm 2017, giá cổ phiếu của ZhongAn tăng 18%. SoftBank được biến đến là nhà đầu tư nền tảng duy nhất trong đợt IPO trị giá 1,5 tỷ USD đó khi mua số cổ phiếu trị giá 550 triệu USD.

Kim Dung
Theo Bloomberg