Fica
  1. Quốc tế

“Bão Covid-19” càn quét: Nước giàu cứu doanh nghiệp ra sao?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trong bối cảnh giới kinh doanh lao đao vì Covid-19, những biện pháp hỗ trợ của các nước lớn được cho là cũng mới chỉ giúp các doanh nghiệp tạm thời tránh phá sản do thiếu dòng tiền.

Trong báo cáo thị trường vừa công bố, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, dịch bệnh Covid-19 vừa qua tạo ra rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, do vậy, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã có điều chỉnh về chính sách nhằm thích nghi và chuẩn bị cho rủi ro.

“Bão Covid-19” càn quét: Nước giàu cứu doanh nghiệp ra sao? - 1

Sự bi quan về triển vọng kinh tế dưới tác động của Covid-19 thể hiện rõ nét thông qua sự lao dốc của chứng khoán toàn cầu trong những ngày qua

Cụ thể, đối với trường hợp của Trung Quốc, vào ngày 2/2/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tuyên bố việc bơm 1.200 tỷ nhân dân tệ (CNY) - tương đương 173 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Sau đó 2 tuần, vào ngày 16/2/2020, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Trung Quốc Lưu Côn tuyên bố, chính phủ nước này lên kế hoạch cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ nhằm hỗ trợ công tác kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ nền kinh tế.

Cùng ngày hôm đó, ngân hàng trung ương nước này công bố sẽ giảm lãi suất đối với khoản vay trung hạn trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 28,65 tỷ USD) từ mức 3,25% xuống mức 3,15%.

Tiếp tục khoảng 3 ngày sau, vào ngày 18/2/2020, tổ chức này tiếp tục hạ lãi suất các khoản vay nợ một năm từ 4,15% xuống còn 4,05% và lãi suất vay 5 năm từ 4,8% xuống còn 4,75%.

Tại Nhật Bản, để đối phó với dịch bệnh, trong tháng 2 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp trị giá 500 tỷ JPY nhằm cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Đến ngày 10/3/2020, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ công bố gói cứu trợ tài chính thứ hai với tổng giá trị lên tới 1.000 tỷ JPY – tương đương 9,6 tỷ USD.

Cũng trong ngày này, trong phiên chất vấn tại Nghị Viện Nhật Bản, đại diện của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng thông báo về việc lên kế hoạch về việc tăng cường mua chứng chỉ quỹ ETF và gỡ bỏ mục tiêu chỉ mua 57 tỷ USD chứng chỉ quỹ ETF hàng năm, nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán Nhật Bản. Kế hoạch chi tiết sẽ được công bố trong cuộc họp của tổ chức này diễn ra vào ngày 18-19/3/2020.

Giới phân tích nhận định rằng nhiều khả năng tổ chức này sẽ tiếp tục hạ lãi suất (sâu hơn vào vùng lãi suất âm - hiện đang là -0,1%) và sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ.

Đối với trường hợp của Mỹ, để đối phó với những rủi ro cho nền kinh tế do dịch Covid-19 gây ra, ngày 3/3/2020, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có quyết định bất ngờ: giảm lãi suất mục tiêu xuống mức 1-1,25% (giảm 0,5% điểm). Tuy nhiên, giới phân tích dự báo FED sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong kỳ họp diễn ra vào ngày 17-18/3.

Về phía chính quyền Mỹ, trong công bố của Nhà Trắng ngày 11/3/2020, ngoài các biện pháp về an ninh dịch tễ, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đưa các giải pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ.

Các giải pháp này bao gồm: Một là hoãn thuế đối với các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch; hai là cung cấp thêm các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; ba là đề xuất giảm thuế thu nhập.

Đồng thời, ông Trump cũng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài Chính Mỹ Mnuchin tiếp tục hành động và thúc giục FED giảm lãi suất về 0 hoặc âm để hỗ trợ thị trường.

Tại các nền kinh tế châu Âu, vào ngày 10/3/2020, Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England) đã quyết định sẽ hạ lãi suất ngân hàng khoảng 50 điểm cơ bản xuống 0,25%, đồng thời tung ra gói hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồng thời, Uỷ ban Chính sách tài chính cũng giảm tỷ suất vốn đệm ngược chu kỳ từ 1% xuống còn 0% và sẽ duy trì mức này trong ít nhất 12 tháng.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) được dự báo sẽ có những động thái hỗ trợ nền kinh tế trong trong cuộc họp của tổ chức này diễn ra vào ngày 12/3/2020. Chiều 12/3, ECB đã không giảm lãi suất mà lại tăng quy mô chương trình nới lỏng định lượng thêm 120 tỷ EUR , bơm ra thị trường dưới hình thức thu mua trái phiếu và các biện pháp ưu đãi cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu đang chịu thiệt hại do dịch bệnh lan tràn.

Theo quan sát của BVSC, có thể thấy các biện pháp hỗ trợ hiện giờ đang được thực hiện với mục đích giúp các doanh nghiệp tạm thời tránh phá sản do thiếu dòng tiền. Mấu chốt của vấn đề chỉ được giải quyết khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát.

Do vậy,  theo BVSC, nhiều khả năng diễn biến trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tiêu cực cho đến khi tình hình kiểm soát bệnh dịch có chuyển biến tích cực hơn.

Mai Chi