Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào lục địa này như là một phần của kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án vành đai và con đường. Nhưng hiện tại vẫn chưa có thông tin nào về việc Bắc Kinh sẽ đáp trả lời kêu gọi xóa nợ của châu Phi trong bối cảnh kinh tế suy thoái bởi đại dịch Covid-19.
Một công nhân phun thuốc khử trùng tại một nhà thờ Hồi giáo ở Khartoum, Sudan, trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan của coronavirus.
Câu hỏi hóc búa châu Phi dành cho Bắc Kinh
Các quốc gia châu Phi dự đoán nền kinh tế của họ trong năm nay sẽ bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19 và đang kêu gọi sự cứu trợ để đối phó với việc thanh toán các khoản nợ lên tới hàng tỷ USD. Hầu hết những lời kêu gọi đó đều liên quan đến Trung Quốc, người cho vay lớn nhất ở lục địa này, nhưng không rõ Bắc Kinh sẽ đáp trả như thế nào.
Angola, Zambia, Sudan và Cộng hòa Congo (Brazzaville) là một trong những quốc gia nằm tìm kiếm sự cứu trợ. Họ cho rằng mình cần phải tái phân bổ ngân sách vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và trang bị cho các bệnh viện để chống lại virus corona - loại virus nguy hiểm này đã lây nhiễm hơn 3,5 triệu người trên toàn thế giới. Châu Phi chủ yếu đã tránh được sự ảnh hưởng của dịch bệnh trong những ngày đầu của đợt bùng phát, nhưng các trường hợp nhiễm bệnh vào tuần vừa qua đã nhảy vọt lên hơn 44.000 người và 1.771 người chết.
Yun Sun, một thành viên của Sáng kiến Tăng trưởng châu Phi tại Viện Brookings ở Washington, cho biết: Bắc Kinh khó có thể thực hiện một cách tiếp cận đơn phương để xóa nợ.
Yun Sun nói thêm: “Thay vì cứu trợ bằng cách xóa hoàn toàn khoản nợ, các phương án như hoãn thanh toán khoản vay, cơ cấu lại nợ và hoán đổi nợ/vốn chủ sở hữu có nhiều khả năng sẽ được Trung Quốc thực hiện”. Cô cho biết, các khoản vay có khả năng được xóa nợ nhiều nhất có thể là những khoản vay có lãi suất bằng 0.
Việc virus bắt đầu lan rộng hơn nữa tại châu Phi và sự tàn phá kinh tế mà nó gây ra ở những nơi khác trên thế giới đã cản trở sự phát triển của các nền kinh tế châu Phi.
Giá dầu lao dốc cũng khiến các nhà sản xuất như Angola, Nigeria, Cộng hòa Congo, Equatorial Guinea và South Sudan phải chịu một cú đánh mạnh, trong khi các quốc gia phụ thuộc vào du lịch như Seychelles và Mauritius phải đối mặt với sự suy thoái trong ngành du lịch. Zambia, Botswana, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Phi và Zimbabwe đều đang tính toán các khoản chi phí họ phải gánh chịu khi nhu cầu đối với hàng hóa mà họ sản xuất bị giảm đi đáng kể.
Lời kêu gọi cứu trợ
Vào ngày 26/3, các quốc gia châu Phi đã kêu gọi gói cứu trợ 100 tỷ USD, bao gồm khoản xóa nợ 44 tỷ USD từ Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất G20, bao gồm cả Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới ước tính tổng số tiền mà châu Phi vay từ các tổ chức, quốc gia nước ngoài trong năm 2018 là 584,3 tỷ USD.
Cho đến nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã phê duyệt gói hoãn trả nợ trong sáu tháng trị giá 500 triệu USD tại 25 quốc gia và trong đó có 19 nước ở châu Phi. Vào giữa tháng 4, G20 đã đồng ý với lệnh hoãn trả nợ cho vay song phương đối với các nền kinh tế có thu nhập thấp.
Khi được hỏi Trung Quốc sẽ xử lý ra sao đối với các khoản vay của họ tại các nước châu Phi, Đại sứ quán Trung Quốc ở Nairobi đã đề cập đến một tuyên bố vào ngày 16/4 rằng: “Theo sự đồng thuận của G20 về vấn đề xóa nợ, Trung Quốc sẽ giúp các nước nghèo nhất tập trung nỗ lực chống lại dịch bệnh và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội”.
Scott Morris, một thành viên cao cấp tại Trung tâm phát triển toàn cầu tại Washington, cho biết: Bắc Kinh cần đóng vai trò lãnh đạo trong các cuộc đàm phán về nợ và ông cũng đưa ra lưu ý rằng thỏa thuận G20 phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia của Trung Quốc, với vai trò là người chủ nợ hàng đầu.
Jibran Qureishi, chuyên gia kinh tế khu vực Đông Phi cho biết, Trung Quốc có thể sẽ cung cấp các khoản giảm nợ cho các quốc gia châu Phi vì những cân nhắc rộng hơn.
Theo ông Qureishi: “Bắc Kinh vì lý do chính trị sẽ muốn có được sự linh hoạt và tôi không nghĩ rằng họ không muốn mất ảnh hưởng của mình ở Châu Phi.”
Trước đây, Trung Quốc hầu hết đã hủy các khoản vay không lãi suất đã đến hạn, nhưng chúng chỉ chiếm chưa đến 5% nợ tồn đọng của châu Phi đối với Trung Quốc.
Các khoản vay không lãi suất từ chính phủ Trung Quốc có quy mô nhỏ hơn và chúng không được quản lý bởi các ngân hàng chính sách hoặc ngân hàng thương mại nhà nước. Các tổ chức này chịu sự quản lý giám sát trực tiếp của chính quyền Trung ương và bởi vậy Bắc Kinh có thể tiến hành xóa nợ đối với những khoản nợ này.
Trung Quốc năm 2018 đã hủy 78 triệu USD nợ của Cameroon, Botswana với 7,2 triệu USD và 10,6 triệu USD nợ của Lesentine. Năm trước, họ cũng hủy bỏ 160 triệu USD nợ của Sudan. Còn vào năm ngoái, Bắc Kinh đã giúp cơ cấu lại khoản nợ của Congo-Brazzaville.
Nhưng hầu hết các khoản nợ mà các nước châu Phi nợ Trung Quốc đều có liên quan đến các khoản vay ưu đãi và thương mại từ ngân hàng chính sách - China Eximbank, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và các ngân hàng thương mại nhà nước.
Các ngân hàng này tập trung vào mục tiêu thu hồi vốn và lãi suất. Họ gần như không bao giờ xóa nợ, mặc dù họ sẽ xem xét nới lỏng các điều khoản trả nợ trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Và việc các ngân hàng này sẽ từ bỏ khoản nợ cho tất cả những người vay châu Phi là điều rất khó có thể xảy ra.
Martyn Davies, giám đốc điều hành các thị trường mới nổi và thị trường châu Phi tại Deloitte & Touche ở Johannesburg, Nam Phi cho biết, nợ châu Phi đã mang một ý nghĩa địa chính trị lớn.
Ông nói thêm: Một khoảng trống do các nước phương Tây để lại - một nước Mỹ thảnh thơi và một EU ngày càng tập trung vào bên trong - sẽ cho phép Trung Quốc gia tăng vị thế của mình trong khu vực.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, từ sự việc trên, các quốc gia khác trên thế giới sẽ có độ nhạy và nhận thức cao hơn đối với rủi ro từ các ngân hàng chính sách của Trung Quốc thông qua các hoạt động cho vay.
Thùy Dung
Theo SCMP