Băng tan ở Bắc cực mở ra cuộc cạnh tranh quyền lực quy mô trên toàn cầu (Ảnh: Independent).
Từng được coi là một khu vực yên bình "bất khả xâm phạm", Bắc Cực giờ đây đã trở thành mặt trận trọng yếu trong chiến lược an ninh nội địa của nhiều nước, trong đó có Mỹ.
Khi băng tan ở Bắc Cực (gọi là Bắc Cực Xanh) sẽ mở ra các tuyến thương mại hàng hải ngắn hơn cũng như một mặt trận mới cho sự cạnh tranh quyền lực quy mô trên toàn cầu, nhất là giữa các nước lớn.
Kể từ năm 2020, Hải quân, Lục quân và Không quân Mỹ đã lần lượt công bố các chiến lược Bắc Cực mới. Đây là một thách thức chiến lược đối với Washington, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để giải quyết các lỗ hổng chiến lược của cường quốc này với sự hợp tác của các đồng minh, đặc biệt là Nhật Bản và Anh.
Mỹ đã công bố chiến lược hàng hải mới của mình mang tên "Lợi thế trên biển" vào năm 2020, xác định Trung Quốc là đối thủ lâu dài và toàn diện nhất.
Chiến lược mới này của Washington nhấn mạnh, ưu tiên trọng tâm là giảm thiểu hiệu quả các rủi ro. Tuy nhiên, chiến lược này gặp nhiều khó khăn do những hạn chế ngân sách cũng như địa lý.
Theo Diplomat, không giống lực lượng Hải quân Trung Quốc, vốn có đủ điều kiện để có thể tập trung vào mặt trận Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ tập trung trên hai mặt trận địa lý trong đó hầu hết hạm đội của họ nằm ở Bờ biển Đại Tây Dương hoặc ở các địa điểm khác xa châu Á.
Và vì vậy, chỉ một phần của hạm đội Mỹ, chủ yếu là Hạm đội Thái Bình Dương, có thể sẵn sàng đối phó với khủng hoảng hoặc xung đột ở khu vực Thái Bình Dương.
Chuyên gia Alfred Thayer Mahan từng đưa ra giả thuyết rằng, chiến lược "hai đại dương" sẽ khiến Mỹ kiệt sức và có thể không đủ lực để đối phó Trung Quốc đang trỗi dậy.
Cũng như Hải quân Nga đã từng bị Hạm đội Liên hợp Nhật Bản yếu hơn đánh bại trong Trận hải chiến Tsushima (1905), ngay cả hải quân lớn nhất thế giới cũng có thể bị tổn thương khi hạm đội của họ bị phân tán và phải đối đầu với một lực lượng đông đảo hơn, "gần nhà" hơn.
Sự chia rẽ trong chính sách chiến lược của Mỹ cũng là một vấn đề. Hải quân Mỹ tuyên bố tái kích hoạt Hạm đội Đại Tây Dương để tập trung vào Hải quân Nga đang ngày càng quyết đoán nhưng cùng giai đoạn đó cũng tuyên bố Trung Quốc là ưu tiên số 1. Giờ đây, Mỹ nhận ra rằng họ không thể hoạt động ở mọi nơi, mọi lúc, với hiệu quả như nhau, và cần có sự ưu tiên, lực lượng tổng hợp và khả năng thay thế giúp sức giữa các đồng minh và đối tác.
Tuy nhiên, việc đặt ra các mục tiêu chiến lược riêng biệt, để đối phó Trung Quốc hoặc Nga, sẽ cản trở sự hội nhập của các lực lượng Mỹ và khả năng tương tác với hải quân các nước khi cần tập hợp lực lượng.
Để giảm thiểu những lỗ hổng này, "Bắc Cực Xanh" là chìa khóa cho Mỹ. Băng tan chảy ở Bắc Cực làm tăng khả năng tiếp cận giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Nó mở ra các tuyến thương mại hàng hải ngắn hơn bằng cách giảm thời gian di chuyển và giảm thiểu bất lợi về địa lý cho Hải quân Mỹ, cho phép Washington có thể nhanh chóng triển khai lực lượng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột.
"Bắc Cực Xanh" cũng có thể giúp gắn kết quan điểm chiến lược của hải quân Mỹ ở hai vùng đại dương.
Nhưng việc này cũng làm bùng nổ cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc trong khu vực và tạo ra mối đe dọa tiềm tàng đối với lợi ích và sự thịnh vượng của Mỹ. Chẳng hạn như Nga đã tuyên bố chiến lược kiểm soát Bắc Cực bằng cách tăng cường hiện diện quân sự với hạm đội tàu phá băng, hệ thống cảnh báo sớm và các căn cứ quân sự.
Trong khi đó, Trung Quốc tự xưng là "quốc gia cận Bắc Cực", mặc dù vị trí địa lý của nước này cách Bắc Cực khoảng hơn 1.500 km. Bắc Kinh cũng xem Bắc Cực là "Con đường Tơ lụa vùng Cực", một mắt xích quan trọng trong sáng kiến Vành đai, con đường của họ.
Thanh Thành
Theo Diplomat