Fica
  1. Quốc tế

Bà Suu Kyi lên tiếng trong lần đầu trực tiếp hầu tòa

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cựu cố vấn nhà nước chính phủ dân sự Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, đã lần đầu tiên xuất hiện trực tiếp trước tòa án kể từ khi bà bị bắt trong vụ đảo chính quân sự gần 4 tháng trước.

Bà Suu Kyi lên tiếng trong lần đầu trực tiếp hầu tòa  - 1

Bà Aung San Suu Kyi (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, bà Suu Kyi hôm nay đã ra hầu tòa lần đầu tiên kể từ khi chính phủ dân sự Myanmar bị quân đội lật đổ hôm 1/2.

Luật sư của bà Suu Kyi, Thae Maung Maung, cho biết thân chủ của ông trông khỏe mạnh và đã có cuộc gặp mặt trực tiếp với đội ngũ pháp lý 30 phút trước khi phiên tòa bắt đầu.

Bà Suu Kyi, 75 tuổi, người từng thắng giải Nobel Hòa bình năm 1991, là một trong 4.000 người bị bắt giữ kể từ khi quân đội giành quyền kiểm soát đất nước. Bà bị cáo buộc nhiều tội danh, trong đó tội nghiêm trọng nhất là vi phạm đạo luật về bí mật nhà nước.

Theo ông Thae, bà Suu Kyi đã "cầu mong sức khỏe cho mọi người" khi gặp gỡ các luật sư, và dường như đã đề cập tới thông tin đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà sắp bị giải thể.

"Bà ấy nói rằng NLD được thành lập vì nhân dân vì vậy đảng này sẽ vẫn tồn tại chừng nào còn nhân dân", luật sư Thae nói với Reuters.

Trước đó, Ủy ban bầu cử Myanmar (UEC) do quân đội nước này lập nên hồi tuần trước tuyên bố sẽ sớm giải tán đảng NLD vì cáo buộc đảng này có hành vi gian lận bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái. 

"Hành vi gian lận bầu cử của NLD hồi tháng 11 là bất hợp pháp vì vậy chúng tôi sẽ phải giải thể đảng này", Chủ tịch UEC Thein Soe cho hay. Ông Thein nói rằng, những người bị kết tội gian lận bầu cử, sẽ bị coi là "phản quốc" và sẽ bị trừng trị.

Cuộc đảo chính ngày 1/2 đã đẩy Myanmar vào rơi vào tình trạng căng thẳng leo thang khi hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình phản đối đảo chính. Reuters dẫn thống kê từ một tổ chức dân sự cho hay, hơn 800 người biểu tình đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh sử dụng biện pháp mạnh, bao gồm cả bắn đạn thật, để giải tán các đám đông.

Ngoài ra, chính quyền quân sự Myanmar cũng phải đối mặt với nguy cơ từ các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số phản đối đảo chính. Giới quan sát lo ngại, các diễn biến phức tạp trong thời gian qua có thể gây ra một cuộc nội chiến ở Myanmar.

Giữa tháng 4, các nhóm đối lập với quân đội Myanmar đã tuyên bố lập "Chính phủ thống nhất quốc gia" với nòng cốt là các nghị sĩ bị lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 1/2, lãnh đạo phe biểu tình phản đối chính biến và các nhóm dân tộc thiểu số.

Nhóm này ngày 5/5 thông báo họ đã lập "lực lượng phòng vệ nhân dân" nhằm bảo vệ những người dân ủng hộ nhóm trước các "cuộc tấn công từ quân đội và chính quyền quân sự Myanmar". Họ cho biết việc lập lực lượng phòng vệ là tiền đề để xây dựng "quân đội liên bang".

Đức Hoàng

Theo Reuters