Fica
  1. Quốc tế

Ba kịch bản đàm phán thương mại Mỹ-Trung tuần này

Tuần này, các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ bước vào một vòng đàm phán thương mại có ý nghĩa quan trọng tại Washington nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại song phương căng thẳng.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: AP.

Theo như những gì mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí, hai bên sẽ cố gắng đạt một thỏa thuận thương mại trước ngày 2/3. Trong trường hợp không có thỏa thuận, Mỹ sẽ tăng thuế quan áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ mức 10% hiện tại.

Nếu thành công, vòng đàm phán này sẽ mở đường cho một thỏa thuận như vậy. Ngược lại, một vòng đàm phán thất bại có thể dập tắt hy vọng về một "nền hòa bình" thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Vòng đàm phán kéo dài hai ngày sẽ bắt đầu vào ngày thứ Tư, với Phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc và Đại diện thương mại Robert Lighthizer đứng đầu đoàn Mỹ.

Trao đổi với hãng tin Bloomberg, ông William Reinsch, cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, không đặt kỳ vọng Mỹ-Trung công bố một thỏa thuận cuối cùng trong tuần này, nhưng nhiều khả năng các nhà đàm phán hai bên sẽ đi đến được một gói để xuất để trình lên lãnh đạo mỗi nước.

"Hai bên còn nhiều bất đồng và Tổng thống Trump là một người rất khó lường. Khả năng ông ấy chấp nhận đề xuất là 50-50", ông Reinsch nói.

Dưới đây là 3 kịch bản về vòng đàm phán lần này giữa Mỹ và Trung Quốc, do Bloomberg đưa ra:

Trường hợp cơ bản

Cho dù ông Lighthizer và ông Lưu Hạc đạt nhất trí trong tuần này, thì hai vị quan chức vẫn cần thời gian để báo cáo lên ông Trump và ông Tập Cận Bình, và hai nhà lãnh đạo cũng cần thời gian nghiên cứu đề xuất của đối phương. Nhiều khả năng ông Lighthizer và ông Lưu sẽ không đưa ra nhiều diễn giải về kết quả đàm phán sau khi kết thúc các cuộc thảo luận.

Thay vào đó, hai bên sẽ có những tuyên bố tương đối mơ hồ về những gì đã đạt được. Điều này cũng giống như khi kết thúc vòng đàm phan trước ở Bắc Kinh, hai bên đã đưa ra những tuyên bố thiếu sự nhất quán về kết quả đàm phán.

Gần đây, phía Mỹ nói hai bên đã có bước tiến trong một số vấn đề như Trung Quốc tăng mua hàng hóa Mỹ, nhưng yêu cầu bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm các biện pháp kiểm chứng thực thi và chế tài. Phía Trung Quốc thì nói các cuộc thảo luận đang diễn ra "sâu, rộng và đi vào chi tiết".

Vào thời điểm này, giới chuyên gia đã "nhận diện" được những nét chính trong một thỏa thuận tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc có thể sẽ nhất trí mua thêm hàng hóa Mỹ, Bắc Kinh có thể hứa dừng các hoạt động bị Washington cho là đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ, và hai bên có thể sẽ xây dựng một hệ thống kiểm chứng và chế tài để đảm bảo hiệu lực của thỏa thuận.

Nếu sau vòng đàm phán này, các quan chức Mỹ và Trung ngỏ ý sẽ tiến hành thêm một vòng đàm phán nữa, thì đó sẽ là một tín hiệu cho thấy hai bên vẫn cho rằng có thể đạt thỏa thuận trước ngày 2/3. Nhưng cũng có một khả năng khác là hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để gia hạn thời gian "đình chiến" sau ngày 2/3.

Trường hợp có sự đột phá

Trong kịch bản tốt nhất, Trung Quốc sẽ tiến về phía bàn đàm phán với một gói cải cách kinh tế làm Mỹ hài lòng.

Một gói cải cách như vậy sẽ thuyết phục được ông Lighthizer, một người có quan điểm cứng rắn về thương mại, rằng Trung Quốc nghiêm túc trong việc mở rộng hơn cánh cửa của nền kinh tế. Trong trường hợp này, ông Trump có thể nhất trí đi đến thỏa thuận với Trung Quốc. Các thị trường sẽ tăng điểm mạnh, khép lại nhiều tháng sóng gió vì bị phủ bóng bởi nỗi lo chiến tranh thương mại.

Vấn đề nằm ở chỗ, để đạt được kịch bản này, phía Trung Quốc phải đưa ra được một đề xuất mang tính chất "thay đổi cuộc chơi" rằng họ sẵn sàng nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế. Nhưng giới chuyên gia nhận định rằng việc này là rất khó.

Trường hợp thất bại

Nếu sau đàm phán, hai bên không đưa ra bất kỳ một tuyên bố nào, thì nhiều khả năng sẽ sớm có một loạt dòng trạng thái (tweet) "nảy lửa" được ông Trump đăng lên mạng xã hội Twitter.

Trước đây, ông Trump từng quay lưng lại với Trung Quốc trong đàm phán thương mại. Hồi tháng 5, hai bên đã ra một tuyên bố chung rằng Trung Quốc nhất trí tăng mua hàng nông sản và năng lượng Mỹ, đồng thời công nhận tầm quan trọng của bảo vệ tài sản trí tuệ. Chỉ vài ngày sau, ông Trump "gạt phăng" thỏa thuận này và yêu cầu các nhà đàm phán Mỹ thực hiện đàm phán lại từ đầu.

Một động thái tương tự từ ông Trump có thể khiến đàm phán "đóng băng" trong một thời gian dài. Ngoài ra, tiến trình đàm phán hiện đang phụ thuộc nhiều vào cách phản ứng của các nhân vật "diều hâu" trong chính quyền ông Trump - gồm ông Lighthizer, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro, và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross - với các đề xuất của Trung Quốc.

Theo Bloomberg, điều khiến nhiều chuyên gia lo ngại là cán cân quyền lực ở Nhà Trắng trong vấn đề thương mại đang dịch chuyển về phía các nhân vật nói trên.

Theo An Huy

VnEconomy