Các nhà đầu tư Trung Quốc dành sự quan tâm lớn cho thị trường bất động sản Australia (Ảnh: AFP)
Trung Quốc và Australia từng trải qua một số bất đồng kể từ tháng 12 năm ngoái khi chính quyền cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thông qua đạo luật chống sự can thiệp của nước ngoài nhằm đối phó với việc Bắc Kinh nỗ lực “gây ảnh hưởng tới tiến trình chính trị” tại Australia. Cáo buộc của Australia khiến Trung Quốc giận dữ. Bắc Kinh đã triệu hồi đại sứ Australia để phàn nàn về vụ việc, đẩy quan hệ song phương xuống thấp tới mức mà cho đến nay vẫn chưa thể phục hồi.
Tháng trước, Bộ Thương mại Trung Quốc cáo buộc Australia can thiệp vào “hoạt động kinh doanh thông thường” sau khi Canberra cấm công ty công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng lưới viễn thông 5G tại Australia do lo ngại các vấn đề về an ninh quốc gia. Ngay lập tức, Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của nhà nước Trung Quốc, đã rung chuông cảnh báo về sự gia tăng của “phe diều hâu” trong nội các của Thủ tướng Scott Morrison - người kế nhiệm ông Malcolm Turnbull.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia vẫn trải qua những ngày tháng tốt đẹp khi giới siêu giàu Trung Quốc dường như ngày càng để mắt tới Australia.
Điểm đến của nhà giàu Trung Quốc
Một tòa nhà nhìn ra cảng Sydney được bán cho người Trung Quốc với giá 53 triệu AUD năm 2013 (Ảnh: AFP)
Theo số liệu thống kê từ AfrAsia Bank, Australia là điểm đến định cư số một của các triệu phú trong năm 2017. Hơn 10.000 người giàu đã nhập cư Australia vào năm ngoái, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ và Anh. Khoảng 90% thị thực do Australia cấp cho các nhà đầu tư giàu có, những người đầu tư hơn 5 triệu AUD (tương đương 3,6 triệu USD) vào Australia, là người Trung Quốc.
Khi Stonington, nơi từng là tòa nhà của chính quyền Australia ở vùng đông nam Melbourne, được bán với giá 52,5 triệu AUD trong năm nay, đây được xem là thương vụ rao bán nhà đất đắt đỏ nhất tại thành phố này từ trước đến nay. Kỷ lục được thiết lập trước đó là thương vụ bán khu đất rộng 5.000 m2 ở vùng ngoại ô Toorak của Melbourne với mức giá 40 triệu AUD. Điểm chung của cả hai thương vụ này đó là: Người mua đều mang quốc tịch Trung Quốc.
Đây không phải là câu chuyện ít gặp tại Australia. Từ Melbourne cho tới Sydney, công dân Trung Quốc luôn nằm trong nhóm những người chi mạnh tay nhất để mua bất động sản ở Australia. Khi tầng lớp siêu giàu ở Trung Quốc ngày càng tăng lên, Australia trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư, giải trí và trong nhiều trường hợp là cơ hội mua sắm cơ ngơi thứ hai ở nước ngoài.
Đối với những người Trung Quốc muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc làm ăn, Australia được xem là điểm đến an toàn và ổn định. Australia xếp vị trí thứ 8 theo Chỉ số Niềm tin Đầu tư trực tiếp nước ngoài 2018 do tập đoàn tư vấn A.T. Kearney công bố và thứ 14 trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi của Ngân hàng Thế giới.
Thị trường bất động sản Australia bắt đầu bùng nổ trong vài thập niên gần đây và được xem là kênh đầu tư đặc biệt hấp dẫn. Tính riêng trong năm 2017, người Trung Quốc đã đầu tư hơn 15 tỷ AUD vào bất động sản ở Australia, nhiều gấp đôi so với công dân của các nước khác. Trong giai đoạn 2016-2017, trước khi chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc chuyển vốn ra nước ngoài, các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót khoảng 32 tỷ AUD vào thị trường bất động sản Australia. Con số trên chưa bao gồm những người Trung Quốc đã nhập quốc tịch Australia hoặc định cư lâu dài tại Australia trước khi mua bất động sản.
Số lượng sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường ở Australia ngày càng tăng (Ảnh: AFP)
Kinh doanh không phải lý do duy nhất khiến nhiều người Trung Quốc tìm đến Australia. Những người muốn tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn sẽ nhận ra rằng Australia là một điểm đến hấp dẫn vì môi trường sinh thái tự nhiên và nhịp sống thảnh thơi tại đất nước này. Ngoài ra, với những bậc cha mẹ có con cái đang tuổi đi học và mang tư duy toàn cầu, triển vọng về một nền giáo dục chất lượng cao tại một đất nước nói tiếng Anh như Australia cũng là một ưu điểm cho quyết định định cư của họ.
Theo số liệu thống kê của chính phủ Australia, hơn 170.000 sinh viên Trung Quốc đã đăng ký theo học tại các cơ sở giáo dục tại Australia, đóng góp nhiều nhất (28 tỷ AUD) cho lĩnh vực giáo dục quốc tế tại nước này.
Mặc dù Mỹ và Canada cũng là những điểm đến hấp dẫn với giới nhà giàu Trung Quốc song Australia vẫn có những lợi thế riêng như vị trí địa lý tương đối gần Trung Quốc và hai nước có cùng múi giờ.
“Họ có thể dễ dàng kết nối với gia đình và bạn bè ở Trung Quốc, và vấn đề mệt mỏi do lệch múi giờ cũng không quá tệ như khi bạn bay tới Canada. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc ra quyết định của họ”, Barry Li, tác giả cuốn: Người Trung Quốc mới: Họ đã định hình Australia như thế nào, cho biết.
Ngoài lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xa xỉ cũng cảm nhận được tác động từ làn sóng những người tiêu dùng nhiều tiền ở Trung Quốc. Các hãng bán lẻ cũng chớp cơ hội này để giới thiệu các dịch vụ dành riêng cho khách hàng Trung Quốc.
“Khách hàng Trung Quốc bị cuốn hút bởi tất cả mọi thứ, từ túi xách cho tới trang sức xa xỉ. Chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu của người Trung Quốc với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồ ăn và sản phẩm dành cho trẻ em do Australia sản xuất và nhiều hãng bán lẻ Australia đã cung cấp các mặt hàng này cho thị trường Trung Quốc”, Russell Zimmerman, giám đốc điều hành của Hiệp hội Bán lẻ Australia, cho biết.
Tiền của giới nhà giàu Trung Quốc cũng đang rót vào một số lĩnh vực hào nhoáng khác tại Australia. Trong những năm gần đây các hãng kinh doanh du thuyền như Primer Yachting ở Melbourne bắt đầu phục vụ số lượng khách Trung Quốc ngày càng đông.
Lo ngại của Australia
Cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp năm 2016 (Ảnh: AFP)
Bất chấp những lợi ích kinh tế mang lại cho các doanh nghiệp địa phương, làn sóng nhà giàu Trung Quốc đổ xô tới sống, làm việc và nghỉ dưỡng ở Australia đã tạo ra cả sự ngờ vực và bất mãn nhất định tại Australia. Một trong những vấn đề gây bức xúc nhất là việc các nhà đầu tư Trung Quốc đã đẩy chính người Australia ra khỏi thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như Sydney - nơi giá nhà tăng gấp gần 13 lần so với thu nhập bình thường của các hộ gia đình. Thậm chí nhiều người Trung Quốc đã góp phần “thổi” giá nhà lên cao khi sẵn sàng trả rất nhiều tiền để mua các bất động sản mà họ không có ý định ở.
Trong khi đó, những người Trung Quốc giàu có với các mối liên kết chính trị tại Australia cũng nằm trong diện bị “soi xét” khi nhiều người lo ngại về nguy cơ thế lực nước ngoài có thể can thiệp vào thể chế và nền chính trị tại Australia. Các công dân và tổ chức ở Trung Quốc đã quyên góp hơn 12,6 triệu AUD cho các đảng chính trị tại Australia trong giai đoạn từ năm 2000-2016, chiếm gần 80% trong tổng số tiền quyên góp từ nước ngoài.
Hồi tháng 6, chính quyền cựu Thủ tướng Turnbull đã thông qua luật chống sự can thiệp từ bên ngoài, trong đó cấm hoàn toàn việc tiếp nhận các khoản quyên góp chính trị từ nước ngoài. Việc thông qua đạo luật này đã khiến quan hệ giữa Australia và Trung Quốc trở nên căng thẳng mặc dù trước đó ông Turnbull từng cảnh báo về sự can thiệp của Trung Quốc trong bài phát biểu của ông trước quốc hội. Tuy vậy, hầu hết giới quan sát đều cho rằng Bắc Kinh và Canberra sẽ vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ gần gũi trong tương lai.
“Australia luôn coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Đông đảo người Australia gốc Trung Quốc đã tăng cường các mối liên kết văn hóa trong nhiều năm qua. Và nhu cầu của giới nhà giàu Trung Quốc định cư ở Australia sẽ vẫn tiếp tục tăng lên”, Barry Li nhận định.
Thành Đạt
Theo SCMP