Fica
  1. Quốc tế

Australia cảnh báo đưa Trung Quốc ra WTO sau khi bị áp thuế lúa mạch 80%

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Australia đang tính phương án đề nghị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phân xử vụ việc Trung Quốc đánh thuế 80% mặt hàng lúa mạch của Canberra, giữa lúc quan hệ giữa hai nước căng thẳng vì Covid-19.

Australia cảnh báo đưa Trung Quốc ra WTO sau khi bị áp thuế lúa mạch 80% - 1

Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud (Ảnh: EPA-EPE)

Reuters đưa tin, Australia sẽ cân nhắc đưa vấn đề lên WTO sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với mức tổng cộng 80,5% lên mặt hàng lúa mạch của Canberra bắt đầu từ ngày 19/5.

Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud tuyên bố rằng: “Chúng tôi sẽ bảo lưu quyền và cân nhắc đưa vụ việc lên WTO để các trọng tài phân xử”.

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 18/5 đã xác nhận việc đánh thuế lúa mạch Australia với cáo buộc rằng hành động bán phá giá gây thiệt hại nghiêm trọng với nền công nghiệp nội địa của Trung Quốc. Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra về vấn đề này từ năm 2018.

Tìm đối tác thay thế

Tuy nhiên, ông Littleproud khẳng định rằng Australia đang không tham gia vào cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Quan chức này cũng cho biết Australia đang bắt đầu tìm kiếm các đối tác thay thế ở Trung Đông, Ả rập Xê út, Ấn Độ…

Bình luận về động thái của Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết nước này “thất vọng sâu sắc với quyết định áp thuế của Trung Quốc. Chúng tôi bác bỏ cơ sở của quyết định này. Chúng tôi sẽ xem xét chi tiết vụ việc trong khi cân nhắc các bước đi kế tiếp”.

Ông Birmingham cho biết Australia rất lo ngại với động thái của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng hành động của Bắc Kinh thiếu “sự hiểu biết đúng đắn về các sự kiện hay bằng chứng”.

Mức thuế áp với lúa mạch sẽ được duy trì trong 5 năm. Lúa mạch là mặt hàng nông nghiệp mới nhất bị ảnh hưởng do quan hệ căng thẳng giữa 2 nước. Trước đó, Trung Quốc đã ngừng nhập thịt bò từ một số công ty Australia.

Quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh xấu đi từ năm 2018 khi Australia cấm hãng viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G. Căng thẳng giữa 2 nước cũng leo thang vì Australia quan ngại việc Trung Quốc được cho đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Gần đây nhất, Australia và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng vì Australia quyết ủng hộ cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch Covid-19, động thái mà Trung Quốc trước đó nhận định là không cần thiết. Chính vì vậy, các động thái gần đây của Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại đây có thể là hành động trả đũa của Trung Quốc với Australia.

Trung Quốc tuyên bố các sự việc nói trên không có liên quan tới nhau dù trước đó một nhà ngoại giao Trung Quốc từng cảnh báo người tiêu dùng nước này có thể “tẩy chay” Australia vì lời kêu gọi điều tra Covid-19.

Theo News.com.au, khi được hỏi về nghi vấn liệu có phải Trung Quốc trả đũa Australia thông qua thịt bò và lúa mạch hay không, ông Littleproud nhận định rằng kịch bản này là có khả năng.

Đức Hoàng

Tổng hợp