Fica
  1. Quốc tế

Argentina giảm lãi suất dù lạm phát vẫn trên 200%

Đại Phú
Đại Phú

Theo ngân hàng trung ương nước này, một số yếu tố hỗ trợ đã xuất hiện thời gian qua.

Ngân hàng trung ương Argentina cắt giảm lãi suất tham chiếu từ 100% xuống còn 80% khi các nhà hoạch định chính sách nhận thấy áp lực giá cả tại quốc gia Nam Mỹ này đang hạ nhiệt dù vẫn neo cao trên 250%. 

Theo cơ quan hoạch định chính sách, một số yếu tố thuận lợi đã hình thành trong thời gian qua giúp hình thành nên quyết định có tính bất ngờ này, trong đó bao gồm sự hồi phục của dự trữ ngoại hối và đà tăng giá của đồng peso so với USD. 

Trước đó, Argentina cũng tiến hành cắt giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 12/2023. Theo dữ liệu từ cơ quan quản lý tài chính, lượng tiền lưu thông đã sụt giảm 17% kể từ khi ông Milei đắc cử tổng thống bất chấp thực tế chính sách tiền tệ đang dần được nới lỏng. Đó chính là kết quả của một quá trình dài duy trì quan điểm thắt chặt. 

Trụ sở Ngân hàng trung ương Argentina

Quyết định trên được đưa ra chỉ một ngày trước khi Cơ quan thống kê quốc gia công bố số liệu lạm phát tháng 2. Theo kết quả khảo sát của Bloomberg, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này được dự báo tăng 15% so với tháng trước đó, suy yếu từ ngưỡng 21% của tháng 1/2024 và 26% của tháng 12/2023. Tuy nhiên, nếu tính vắt năm, lạm phát có thể vượt ngưỡng 280%. 

Việc Ngân hàng trung ương Argentina hạ lãi suất có phần đối lập với quan điểm của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong lần đánh giá gần nhất đối với gói vay trị giá 44 tỷ USD nhằm hỗ trợ nước này vượt qua khủng hoảng. “Trong thời gian tới, chính sách tiền tệ cần tiếp tục được thắt chặt nhằm hỗ trợ nhu cầu tiền tệ và xu hướng giảm phát”, theo nội dung báo cáo của IMF. Trước đó, các quan chức IMF ủng hộ việc Argentina tăng lãi suất lên trên lạm phát nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm đồng peso, qua đó kéo giảm áp lực giá cả. 

Dù tình hình có phần cải thiện, Argentina vẫn đang đứng trước nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái sâu trong năm nay. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng của tân tổng thống đã loại bỏ đi hoàn toàn các khoản chi tiêu an ninh xã hội cũng như các khoản tăng lương cho người lao động nhằm đối phó với lạm phát. Tiền lương thực tế của người lao động nước này hiện ở ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2003. 

Đại Phú