Fica
  1. Quốc tế

Áp lực giảm phát vẫn đeo bám kinh tế Trung Quốc

Đại Phú
Đại Phú

Đây là mối đe dọa tới mục tiêu tăng trưởng 5% của nền kinh tế số hai thế giới năm nay.

Giá cả hàng hóa, dịch vụ tại Trung Quốc gần như đi ngang trong tháng 3 trong khi chi phí nguyên vật liệu sản xuất tiếp tục nằm trong xu hướng giảm, qua đó làm nổi bật thực tế áp lực giảm phát vẫn chưa buông tha nền kinh tế số hai thế giới. 

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Trung Quốc tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia. Mức tăng thực tế thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 0,4% của giới chuyên gia. Kết quả trên đồng thời là bước đi thụt lùi so với tháng 2 khi CPI ghi nhận mức tăng 0,7%, lần đầu cao hơn 0% sau 6 tháng liên tiếp. 

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,8% trong cùng giai đoạn, kéo dài chuỗi giảm liên tục lên 18 tháng, điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2016. 

Áp lực giảm phát tại Trung Quốc vẫn đeo bám nền kinh tế

Kết quả trên phản ánh thực tế người tiêu dùng Trung Quốc không thể duy trì sức mua mạnh mẽ như trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán trong bối cảnh khủng hoảng trên thị trường bất động sản tiếp tục lan rộng, thị trường lao động không có nhiều cải thiện. 

Tâm lý tích cực từ dữ liệu xuất khẩu và sản xuất trong giai đoạn đầu năm phần nào suy giảm sau báo cáo lạm phát, sự hoài nghi về khả năng Trung Quốc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2024 vì thế cũng tăng lên. 

“Dữ liệu lạm phát là tấm gương phản chiếu thực tế nhu cầu nội địa yếu”, Raymond Yeung, Kinh tế trưởng thị trường Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ, nhận định. “Những dữ liệu tích cực thời gian qua chủ yếu có liên quan tới hoạt động xuất khẩu”, ông bổ sung. 

Còn theo Zhiwei Zhang, Chủ tịch Pinpoint Asset Management, “lạm phát tại Trung Quốc và Mỹ đang đi ngược chiều nhau. Điều này là cơ sở cho dự báo quan điểm chính sách tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục khác biệt trong thời gian tới”, đe dọa tới sự ổn định của đồng tiền nhân dân tệ. 

Rủi ro giảm phát tăng cao buộc chính phủ Trung Quốc phải tung ra nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ đối với nền kinh tế. Giá cả sụt giảm bào mòn biên lợi nhuận của các doanh nghiệp, lấy đi động lực đầu tư. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ ngần ngại chi tiêu hơn nếu như họ dự báo giá cả hàng hóa còn rẻ hơn trong tương lai. 

Các nhà lập pháp Trung Quốc đã lên tiếng thừa nhận nhu cầu thị trường yếu là một vấn đề đồng thời vạch ra kế hoạch hành động. Gần đây nhất, chính phủ nước này cho biết sẽ hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp thay mới các sản phẩm sử dụng thường xuyên hàng ngày như máy móc, đồ gia dụng,...

Một tín hiệu khác cho thấy áp lực giảm phát sẽ tiếp tục đeo bám nền kinh tế trong thời gian tới được phát đi từ cuộc chiến giá cả trong một số ngành công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu xây dựng đã phải giảm giá bán vì công suất sản xuất đang vượt quá nhu cầu. Các doanh nghiệp sản xuất xe điện cũng đang chạy đua hạ giá thành sản phẩm để thu hút khách hàng. 

Đại Phú