Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Trung Quốc sẽ tiếp tục là động cơ tăng trưởng của kinh tế thế giới dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại thời gian qua.
“Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và khu vực thời gian tới. Quốc gia này hiện đóng góp gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực châu Á”, Albert Park, Kinh tế trưởng ADB chia sẻ trong cuộc họp báo sau khi Báo cáo Triển vọng châu Á được công bố.
“Dù tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại và có thể tiếp tục suy yếu trong thời gian tới, tỷ lệ đóng góp của kinh tế nước này vào nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ đứng ở vị trí số 1”, ông Park chia sẻ.
ADB dự báo nền kinh tế số hai thế giới tăng trưởng 4,8% trong năm 2024 sau khi đạt mốc 5,2% một năm trước đó, thấp hơn mục tiêu “khoảng 5%” mà chính phủ nước này đề ra. Dù vậy, ADB dự báo Trung Quốc vẫn đóng góp tới 46% tăng trưởng của khu vực trong giai đoạn 2024-2025. Hiện Trung Quốc đóng góp lần lượt 48% và 18% tổng GDP châu Á và toàn cầu.
Trung Quốc được dự báo tiếp tục dẫn dắt kinh tế toàn cầu |
Ấn Độ thì sao?
Ấn Độ thời gian qua nổi lên như một cường quốc công nghệ và sản xuất mới nổi của châu Á, được coi là điểm đến thay thế Trung Quốc của không ít doanh nghiệp. Quốc gia Nam Á này liên tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng với 8,4% trong quý cuối cùng của năm 2023.
“Tầm quan trọng của Ấn Độ trong khu vực ngày một tăng lên”, ông Park chia sẻ với CNBC. ADB dự báo kinh tế nước này sẽ dẫn đầu khu vực trong hai năm tới với 7% (2024) và 7,2% (2025).
Trong khi Ấn Độ là một “điểm sáng”, quy mô nền kinh tế nước này vẫn nhỏ hơn Trung Quốc. Theo phương thức PPP, hiện kinh tế Trung Quốc vẫn lớn hơn gấp 2,5 lần so với Ấn Độ. “Đây là khoảng cách không sớm để khỏa lấp. Do đó, Ấn Độ sẽ không sớm thay thế Trung Quốc trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu”, ông Park nhận định.
Ngoài ra, ADB dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển chậm lại trong năm nay với Mỹ từ 2,5% (2023) xuống 1,9%; và Nhật Bản từ 1,9% năm 2023 còn 0,6%.
Cũng trong báo cáo này, ADB cho biết triển vọng kinh tế nhóm các quốc gia đang phát triển tại châu Á cải thiện hơn so với đánh giá tháng 12 năm ngoái nhờ vào sức mạnh nhu cầu nội địa, qua đó bù đắp đà suy yếu của Trung Quốc.
Bất chấp đà tăng giá năng lượng thời gian gần đây, lạm phát trong khu vực được dự báo giảm nhẹ từ 3,3% xuống 3,2% năm nay.
Đại Phú