Fica
  1. Quốc tế

4 rủi ro lớn nhất được dự báo cho kinh tế toàn cầu

Quỳnh Ngọc
Quỳnh Ngọc

Trong bài phát biểu mới đây nhất, Ravi Menon, Thống đốc ngân hàng Trung ương Singapore, đã đưa ra 4 rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế thế giới sẽ có thể gặp phải.

Trong bài phát biểu tại hội nghị SuperReturn Asi của những người tìm kiếm cơ hội đầu tư mạo hiểm, câu hỏi mà ông Menon nhận thấy được mọi người quan tâm nhất đó là suy thoái sẽ kéo dài đến bao giờ và ảnh hưởng mạnh thế nào đến nền kinh tế. Điều đó phụ thuộc vào mức độ lạm phát cao và dai dẳng kéo dài. Trong trường hợp đó, lựa chọn duy nhất của các ngân hàng trung ương đó là đẩy nhanh chu trình tăng lãi suất về mức trung tính, bên cạnh đó là thu hẹp bảng cân đối tài sản.

4 vấn đề rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu dự báo phải đối mặt, theo ông Menon, là tác động kéo dài dai dẳng của lạm phát, biến động địa chính trị, suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Ông Ravi Manon, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Singapore (Ảnh: BLB).

Theo ông, Singapore cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng giống như những nền kinh tế phát triển khác trên thế giới như Mỹ, Eurozone hay Trung Quốc, mặc dù tình trạng hiện tại của Trung Quốc hơi khác một chút. 

Theo chuyên trang thống kê số liệu Trading Economics, lạm phát tại Singapore đã bắt đầu tăng trở lại kể từ tháng 10/2021 với việc bắt đầu gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, giá các mặt hàng năng lượng và các loại hàng hóa khác tăng cao đã gián tiếp khiến cho tình trạng lạm phát tại nước này và trên toàn thể giới trở nên tồi tệ. Đây là lạm phát do chi phí đẩy là chủ yếu, khi mà giá nguyên liệu đầu vào phản ứng mạnh mẽ với bất ổn địa chính trị trên thế giới, nhất là đối với xung đột Nga - Ukraine.

GDP các nước Đông Nam Á.

Singapore đã cố gắng giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định trong năm nay trong bối cảnh khó khăn. Theo khảo sát của Bloomberg đối với 37 nhà kinh tế học, mức tăng trung bình từ cuối tháng 8 dự đoán sẽ đạt 3.6% trong năm 2022 sau gần 8% năm ngoái. Đó sẽ là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á cũng như khối ASEAN.

Đồng thời, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại dễ bị ảnh hưởng bởi triển vọng toàn cầu đen tối, bao gồm tác động đáng kể từ sự suy yếu ở Trung Quốc, đối tác thương mại số 1 của nước này. Việc CNY suy yếu đáng kể so với USD ở thời điểm hiện tại vô tình khiến cho việc xuất khẩu các mặt hàng dịch vụ sang Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn.

Sau cùng, ông Menon đưa ra 3 giải pháp chính trong ngắn hạn đối với nền kinh tế thuộc G20 trên thế giới, bao gồm: Tăng trưởng lợi nhuận bền vững, cân đối chi tiêu, thu nhập và vay nợ; Tăng cường đầu tư sang các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á; Xoay vòng linh hoạt dòng tín dụng vào khu vực tư nhân, qua đó nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực thiếu vốn.

Thắng Vũ
Theo Bloomberg