Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 0,3% hàng năm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý đầu tiên nền kinh tế số một thế giới thu hẹp sau 3 năm.
Kết quả thực tế thấp hơn dự báo tăng trưởng 0,4% của giới chuyên gia đồng thời phản ánh sự đảo chiều mạnh mức tăng 2,4% ghi nhận trong quý liền kề trước đó.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân lớn nhất đứng sau kết quả “đáng buồn” trên tới từ diễn biến gia tăng bất ngờ của hoạt động nhập khẩu khi các công ty và người tiêu dùng tìm cách "đi tắt, đón đầu" các mức thuế quan của ông Trump trước khi chúng có hiệu lực vào đầu tháng 4.
Kim ngạch nhập khẩu của Mỹ trong thời gian này tăng vọt 41,3%, nhanh nhất kể từ năm 1974 nếu không tính giai đoạn đại dịch Covid. Theo công thức tính GDP của Mỹ, nhập khẩu đã lấy đi hơn 5 điểm phần trăm khỏi GDP tổng thể của nước này.

Sự chậm lại trong chi tiêu tiêu dùng và sụt giảm chi tiêu liên bang cũng góp phần thu hẹp GDP. Trong quý I, chi tiêu tiêu dùng chỉ tăng 1,8%, thấp hơn tương đối so với mức tăng 4% của quý IV/2024. Trong khi đó, chi tiêu chính phủ liên bang giảm 5,1% trong quý, kéo theo khoảng 1/3 điểm phần trăm của GDP. Chi tiêu chính phủ giảm là hệ quả của chiến lược tiết kiệm mà Bộ hiệu quả chính phủ (DOGE) thực hiện.
Báo cáo GDP được công bố trong bối cảnh chính sách thương mại của ông Trump còn nhiều bất định, đồng thời phát đi những tín hiệu trái chiều cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trước cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, ghi nhận mức tăng 3,6% trong quý đầu năm, mạnh hơn so với mức tăng 2,4% của quý cuối cùng năm 2024. Nếu loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng, PCE lõi tăng 3,5%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Các quan chức Fed coi chỉ số lõi là thước đo phản ánh tốt hơn xu hướng của lạm phát.
Thị trường kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 6, khởi đầu chuỗi cắt giảm lên tới 4 lần trong năm nay với nhận định NHTW Mỹ sẽ ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn lạm phát.
Mặc dù nền kinh tế vẫn đang tạo thêm việc làm và người tiêu dùng chưa ngừng chi tiêu, báo cáo GDP mới nhất là hồi chuông cảnh báo rủi ro suy thoái, qua đó hối thúc chính quyền ông Trump sớm đạt được thỏa thuận thương mại với các đối tác. Dấu hiệu nhận biết suy thoái là hai quý GDP sụt giảm liên tiếp, mặc dù kết luận sau cùng vẫn thuộc về Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER).