Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế
Có những việc mất 2 năm, có những việc mất 3, 4 năm hoặc hơn để rồi ra được một Nghị định hoặc quy định về bãi bỏ điều kiện kinh doanh. Thời gian vài năm chờ đợi đó đủ giết hàng vạn doanh nghiệp rồi.
Theo đó, riêng 6 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký mới là 64.531, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng con số doanh nghiệp dừng hoạt động lên tới 52.803, tăng tới 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chưa bao giờ khoảng cách giữa 2 con số nêu trên lớn như bây giờ, số doanh nghiệp dừng hoạt động bằng 80% số doanh nghiệp mới ra đời. Tôi vẫn nói rằng số doanh nghiệp chết là chết thật, còn số đăng ký mới thì chưa biết bao giờ mới hoạt động.
Một con số khác cũng rất đáng lo là riêng quý II.2018, số việc làm mới được tạo ra chỉ là 283.000, giảm 17% so với quý II.2017. Như vậy, cùng với việc doanh nghiệp dừng hoạt động, nhiều công ăn việc làm mất đi.
Chưa cần tới những thách thức như Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các cam kết quốc tế, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, những thách thức trong nước cũng đủ làm doanh nghiệp chết, hàng vạn người lao động không có việc làm mới rồi.
Đó chính là những yếu tố liên quan tới môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh quyết định 50% việc doanh nghiệp có tồn tại, phát triển được hay không.
Thế nhưng, tại sao lại khó khăn, lằng nhằng tới thế trong việc thay đổi những điều vô lý tồn tại bao nhiêu năm?”.
Lý do theo tôi nghĩ tư duy vẫn là vấn đề lớn. Xuyên suốt trong tư duy của nhiều người làm công tác quản lý Nhà nước hiện nay vẫn mặc định cho rằng: Đã là doanh nghiệp thì có vi phạm, đã làm thế nào cũng sai, cho nên phải kiểm soát để tránh cái sai đó. Vì vậy, họ đặt ra rất nhiều điều kiện để kiểm soát.
Chúng ta đang đi ngược lại nguyên lý bình thường của quản lý Nhà nước của các nước. Ở nhiều nước, họ nắm lớn-buông nhỏ, Nhà nước chỉ quản lý, kiểm soát khu vực lớn nhất là khu vực kinh tế Nhà nước, khu vực sử dụng nhiều tài sản nhất của Nhà nước. Nhưng ở Việt Nam, sự giám sát với DNNN hết sức lỏng lẻo, nên mất mát đối với nền kinh tế rất lớn, đó là buông lớn-nắm nhỏ.