Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế
Thực tình tôi không thích việc so sánh quy mô GDP, xuất khẩu hay FDI của một nước Việt Nam 96 triệu dân với mấy nước ASEAN có quy mô dân số nhỏ hơn ta mười mấy lần, nhất là khi tăng trưởng GDP của ta dựa quá nhiều vào xuất khẩu, FDI, và riêng FDI lại chiếm tới hơn 70% xuất khẩu.
Nghị quyết Đại hội XIII đã đưa ra những mục tiêu cơ bản, toàn diện và 12 nội dung Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Báo cáo Việt Nam năm 2035 đề xuất để trở thành nước thu nhập trung bình cao, chúng ta phải thực hiện 6 cuộc chuyển đổi quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và giáo dục, môi trường, đô thị hóa, các vấn đề xã hội và đặc biệt là thể chế.
Tôi mong nhất là ta tập trung giải quyết một cách cơ bản những điểm yếu nội tại như đã nói ở phần trên, không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn phải tạo thuận lợi cho phát triển trong giai đoạn tới. Từ nay đến năm 2030, chúng ta chỉ có 10 năm, một khoảng thời gian rất ngắn nhưng mang tính quyết định vận mệnh lâu dài của đất nước.
Hơn nữa, ta lại sống trong một thế giới đã, đang và sẽ có những thay đổi lớn và nhanh chưa từng có trong lịch sử loài người về gần như mọi mặt. Rất nhiều nhân tố bất định, nhiều thách thức, rủi ro và cơ hội mới nảy sinh cùng một lúc: đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, đối đầu chiến lược Mỹ - Trung và những cạnh tranh chiến lược khác, sự va đập của các nền kinh tế hay các nền văn minh lớn, sự chao đảo và cấu trúc lại của các chuỗi cung ứng toàn cầu hay các quan hệ quốc tế…
Và đặc biệt những cơ hội ngàn năm có một, bên cạnh những rủi ro không thể coi thường phát sinh từ sự chuyển biến mau lẹ của các ngành kinh tế - xã hội, các lĩnh vực quản trị sang số hóa, tự động hóa, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong hầu hết các lĩnh vực liên quan đến cuộc sống của con người...
Rất cần hợp tác quốc tế nhưng không thể ỷ lại vào ai khác, Việt Nam phải tự mình khắc phục bằng được những điểm yếu cốt lõi nội tại, phát triển và phát huy nội lực, khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, ứng phó với các thách thức mới và tận dụng các cơ hội mới ở trong nước cũng như trên trường quốc tế... Bài toán đặt ra trong giai đoạn tới rất khó, cần có lời giải xác đáng sớm nhất.
Trong những năm vừa qua, các nguồn lực từ bên ngoài, trong đó có ODA, FDI, những tri thức và kinh nghiệm phát triển của các nước khác… đã đóng góp rất lớn cho Việt Nam trong quá trình phục hồi kinh tế sau chiến tranh và đổi mới hệ thống kinh tế, hội nhập quốc tế để phát triển.
Chính các nguồn lực từ bên ngoài cũng góp phần quan trọng giúp ta khai thác ngày càng tốt hơn các nguồn lực từ bên trong và xây dựng, nâng cao dần năng lực của chính mình. Dù còn một số điều chưa được như mong muốn, rõ ràng ngoại lực đã và sẽ tiếp tục là cần thiết. Vấn đề là ta phải đổi mới cách tiếp cận trong bối cảnh mới, như Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị khóa XII đã nêu rõ về FDI.
Với khát vọng phát triển mới, tôi nghĩ sự thịnh vượng của một đất nước hơn 100 triệu dân phải do người dân Việt quyết định. Chúng ta không thể và không nên ỷ lại vào đầu tư nước ngoài. Tôi rất thích điều mà Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định: "Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".
Tất nhiên, kết hợp nội lực với các nguồn lực bên ngoài và FDI là rất quan trọng, đặc biệt có thể giúp chúng ta đi nhanh hơn trong việc tiếp cận các nguồn công nghệ và kỹ năng mới, phát triển các thị trường mới, tham gia các chuỗi cung ứng và các liên kết mới trong khu vực và trên toàn cầu.
Nếu ta và họ cùng làm tốt, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt được hiệu quả và năng suất cao hơn, giá trị gia tăng lớn hơn, tạo những việc làm tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp Việt sẽ ngày càng trưởng thành và quan trọng nhất là thu nhập thực của đông đảo người dân Việt sẽ được nâng lên. Đương nhiên, để được như vậy ta sẽ phải biết "chọn bạn mà chơi" và tạo được một môi trường đủ tốt cho họ yên tâm, tin tưởng đến làm ăn trên cơ sở cùng có lợi.
Tôi tin sẽ có thể hiện thực hóa khát vọng Việt Nam thịnh vượng nếu ý chí tự lực tự cường mạnh mẽ, nỗ lực vượt bậc và cách làm đột phá của chính chúng ta được bổ trợ hiệu quả bằng các nguồn lực bên ngoài. Một đất nước Việt Nam thịnh vượng cũng sẽ mang lại lợi ích lớn và bền vững hơn cho mọi đối tác bên ngoài, hấp dẫn họ đến và gắn bó lâu dài với chúng ta.