Fica
  1. Góc nhìn

"Sống" về tài chính cho đến khi khỏe về y tế

Quách Mạnh Hào
Quách Mạnh Hào

Tôi chắc rằng vấn đề dịch bệnh là vấn đề trước mắt, còn vấn đề kinh tế xã hội là vấn đề lâu dài.

TS. Quách Mạnh Hào

PGS về Ngân hàng - Tài chính,

Sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc tại Đại học Lincoln 

Cân bằng giữa sức khỏe cộng đồng và vấn đề kinh tế an sinh xã hội trong giai đoạn hiện tại không phải là điều dễ dàng thực hiện. Các nước khi lựa chọn giải pháp thực chất là họ cũng đang tìm cách cân nhắc sự cân bằng này. Ví dụ, tại Anh và các nước phương Tây, nhiều người chỉ trích chính phủ trong việc chậm trễ thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Thực chất, sự chậm trễ đó là do họ phải cân nhắc các giải pháp kinh tế an sinh xã hội.

Ngay khi việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh được áp dụng, các giải pháp kinh tế được triển khai ngay. Nói một cách công bằng, họ có thể chậm trong ngăn chặn sự lây lan, nhưng đó là sự chậm trễ có tính toán và họ đã nhanh trong việc đảm bảo kinh tế an sinh xã hội.

Việt Nam chúng ta tiếp cận một sự cân bằng khác. Đó là rất nhanh trong việc thực hiện các giải pháp ngăn chặn sự lây lan.

Tôi nghĩ rằng giờ khó có thể để đánh giá cách tiếp cận nào đúng hơn, nhưng tôi chắc rằng vấn đề dịch bệnh là vấn đề trước mắt, còn vấn đề kinh tế xã hội là vấn đề lâu dài.

Chúng ta đã có một chủ trương từ rất sớm về việc hỗ trợ kinh tế đảm bảo an sinh xã hội cho doanh nghiệp và cho người lao động. Tuy nhiên, việc triển khai là chậm so với việc thực thi giãn cách xã hội.

Người lao động cũng như doanh nghiệp, trong điều kiện hiện tại họ cần có sức khỏe tài chính đồng thời với sức khỏe y tế, nghĩa là họ cần được đảm bảo một “dòng tiền hoạt động” khỏe mạnh để trang trải chi phí hàng ngày. Người lao động đáng ra đã phải nhận được sự hỗ trợ sớm nhất và nhận rồi.

Nhìn chung, tôi nghĩ rằng các gói hỗ trợ tín dụng và hỗ trợ thuế với doanh nghiệp cũng như hỗ trợ với người lao động về mặt chủ trương đều đúng. Nhưng đáng tiếc là việc chậm thực hiện. Cần giúp doanh nghiệp và người lao động "sống" về tài chính cho đến khi khỏe về y tế.

Theo tôi nhìn nhận, giãn cách xã hội không có nghĩa là tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh dừng lại. Chúng ta chỉ không được thực hiện các hoạt động không cấp thiết.

Điều đó có nghĩa là có những lĩnh vực hoạt động bình thường, có những lĩnh vực hoạt động giảm và có những lĩnh vực không hoạt động.

Việc có giải pháp thực hiện giãn cách xã hội đồng thời đảm bảo cuộc sống người dân và duy trì sản xuất kinh doanh bình thường là không thể.

Nhiều năm làm việc tại Việt Nam cho tôi một ấn tượng rằng chúng ta luôn có chủ trương đúng nhưng việc thực thi thường chậm và có nhiều biến thể.

Ví dụ như báo chí đưa tin về việc một số tỉnh, huyện thực hiện việc ngăn đường cấm người dân đi lại để thực hiện cách ly xã hội là một điển hình của việc biến thế trong chủ trương.

“Không quá đà, không đại trà” thực ra là một cách nói khác của việc tìm điểm cân bằng trong chống dịch đồng thời đảm bảo các vấn đề kinh tế an sinh xã hội.