Fica
  1. Góc nhìn

M&A tác động giá thị trường

Nguyễn Hồng Điệp
Nguyễn Hồng Điệp

Thông tin chủ yếu là đồn đoán, tạo câu chuyện để có cớ "đánh lên". Việc cần làm là phải tỉnh táo để phân biệt thật giả, tránh các cạm bẫy của thị trường.

Nguyễn Hồng Điệp

Chuyên gia chứng khoán

COVID-19 đã và đang gây ra những hậu quả cho kinh tế xã hội trên toàn thế giới. Nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh hoạt động kinh doanh ngừng trệ, tài chính kiệt quệ. Điều này luôn kích thích lòng "ham muốn" của các ông lớn, thôn tính các con mồi.

Trong thời gian qua, một loạt các thông tin về các thương vụ M&A được tung ra. Bài viết này chỉ xin đưa ra góc nhìn liên quan đến giá, không phân tích sâu về giá trị thay đổi nội tại hậu M&A.

Suốt từ năm 2010-2015, bất động sản (BĐS) đóng băng, nhiều dự án trên bờ vực phá sản do lãi vay, chi phí duy trì. Giai đoạn này đã chứng kiến rất nhiều dự án "đổi chủ". Các ông lớn như Vincom, Novaland, Hưng Thịnh, TTC và một vài doanh nghiệp (DN) nước ngoài, đã thâu tóm được một lượng lớn quĩ đất.

Đến năm 2016-2018, cơn sốt nhà đất bùng nổ. Các ông lớn đã tung ra các sản phẩm từ căn hộ, đất nền, đẩy giá theo ý họ muốn. Nếu thời kỳ trước, giá căn hộ trung bình khoảng 30 triệu đồng/m2, thì khi đã vào tay các ông lớn, giá được đẩy lên 45 triệu đồng/m2. Còn đất nền thì lời ít nhất gấp đôi.

Thị trường chứng khoán (TTCK) đã từng chứng kiến vụ thôn tính nổi tiếng Sacombank (STB) của đại gia B. Trong thời gian này, giá cổ phiếu STB từ 9.000 đồng tăng lên 20.000 đồng. Cũng không kém cạnh là vụ mua Sabeco (SAB) của tỷ phú người Thái. Giá SAB cũng từ 180.000 đồng tăng lên 350.000 đồng. Việc Vinamilk (VNM) mua thành công GTNFoods (GTN) cũng làm cổ phiếu này tăng giá 50% trong thời gian rất ngắn.

Như vậy, hầu hết các thương vụ "thôn tính" đều làm giá cổ phiếu tăng đột biến trong một giai đoạn nhất định. Trong thời gian qua, thị trường "nghe" rất nhiều tin đồn về các vụ thôn tính của nhiều ông lớn.

Có những thứ đã được công bố chính thức như vụ đại gia T. "mượt" mua VGC (sau khi bán thành công STG cho Indo Trần). Có những thông tin chỉ "đúng một nửa" như tin đồn VNM mua KDC (Kido) đã làm giá KDC tăng với vận tốc chóng mặt.

Việc HBC tăng giá vừa qua liên quan đến tin đồn đại gia H.-Th. nắm tỷ lệ chi phối tại DN xây dựng hàng đầu Việt Nam này. Còn "cơn điên" của ITA thì được gắn với đại gia V. Ngay cả STB cũng có tin về liên doanh giữa người cũ Th. và V. Ngay lập tức, STB có bước nhảy vọt 30% trong thời gian ngắn kỷ lục. 

Nhà đầu tư nhỏ lẻ, luôn bất ngờ vì các thông tin như thế. Nhưng cũng có nhiều người đã thu được những khoản lợi nhuận lớn, khi tham gia vào các game này. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thị trường đầy rẫy "lái tàu" như hiện nay, nhiều khi có hiện tượng "thuận nước đẩy thuyền". Thông tin chủ yếu là đồn đoán, tạo câu chuyện để có cớ "đánh lên". Việc cần làm là phải tỉnh táo để phân biệt thật giả, tránh các cạm bẫy của thị trường. 

M&A về cơ bản sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tạo ra giá trị bền vững trong tương lai. Những đối tượng thường được "ngắm nghía" nhiều nhất là các công ty "vô chủ" hoặc yếu kém về tài chính, quản trị. Đối với "nhỏ lẻ", việc ăn theo các cơn sóng này cũng mang lại thành quả rất tốt. Quan trọng nhất là phải suy xét kỹ tính logic, tìm kiểu thận trọng và ra quyết định nhanh chóng.

Chứng khoán luôn tạo bất ngờ, luôn mang lại những điều kỳ diệu. Hãy quan sát, lắng nghe và hành động.