Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI
Ra kinh doanh, thông lệ các nước trên thế giới thường chỉ có 2 mô hình: pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Mô hình đầu có tổ chức bộ máy, được gọi là công ty, còn loại sau thì hoạt động đơn giản, thường quy mô nhỏ. Các nước cũng thường ban hành 2 luật riêng về hai mô hình kinh doanh này.
Việt Nam trước đây cũng từng có riêng hai luật là Luật công ty 1990 và Luật doanh nghiệp tư nhân 1991. Từ năm 1999 trở đi hai luật này được gộp lại thành Luật Doanh nghiệp. Như vậy trong luật doanh nghiệp của Việt Nam, đạo luật tổng thể về các loại hình kinh doanh, không chỉ quy định về mô hình công ty (như cổ phần, TNHH…) mà còn có doanh nghiệp tư nhân là hình thức cá nhân kinh doanh.
Có thể nói hộ kinh doanh là một sản phẩm pháp lý đặc thù của Việt Nam. Vì không rành mạch về pháp lý nên việc tìm ra điểm yếu, chỉ trích nó dễ nhưng làm thế nào phát triển lành mạnh mới khó. Đáng chú ý là khu vực này hiện nay có đóng góp rất lớn nhưng dường như không nhận được quan tâm đúng mức của Nhà nước.
Dù Hiến pháp đã tuyên bố về quyền tự do kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho người dân, nhưng hộ kinh doanh hiện đang bị ràng buộc và hạn chế khá lớn về quyền kinh doanh.
Thế nhưng quan trọng hơn, về mặt pháp lý, thì cách quy định về hộ kinh doanh hiện nay đang có vấn đề. Theo Hiến pháp và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì các quy định vềquyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, việc hạn chế quyền (quyền tự do kinh doanh là quyền được hiến định) thì phải được quy định bởi đạo luật do Quốc hội ban hành.
Trong khi thực tế hiện nay Nghị định 78 năm 2015 là khung khổ pháp lý duy nhất quy định về khu vực kinh tế chiếm hơn 30% GDP này. Thậm chí toàn bộ chế định về hộ kinh doanh thực ra được nhân tiện quy định “ghé” vài điều vào cuối Nghị định 78, một nghị định quy định về đăng ký doanh nghiệp.
Dù vậy theo tôi, việc luật hoá này có những cái lợi. Trước hết vị trí pháp lý của hộ được định rõ. Hộ kinh doanh được khẳng định và ghi nhận có vị trí pháp lý phù hợp, các hộ có thể đứng tên được trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy tờ trong hoạt động.
Thứ hai, họ sẽ được thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ hiện nay. Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và các văn bản pháp luật liên quan, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xưa nay chỉ dành cho nhóm hoạt động theo luật doanh nghiệp.
Thứ ba, bằng việc ghi nhận quyền tự do kinh doanh trong luật, sẽ gỡ bỏ được các hạn chế về quyền kinh doanh. Và thứ tư, về mặt pháp lý thì quy định về vị trí pháp lý, về các quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh trong luật (có thể không cần toàn diện) là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết về hộ kinh doanh sau này.