Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế VCCI
Ngày xưa, Adam Smith cho rằng chỉ có quốc phòng, an ninh và gác đêm là dịch vụ công. Mãi đến cuối thế kỷ 19, nước Mỹ mới coi giáo dục là dịch vụ công. Đến giữa thế kỷ 20 mới coi bảo hiểm hưu trí là dịch vụ công và đến thời Obama mới bao gồm bảo hiểm y tế (dù đến bây giờ vẫn gây tranh cãi).
Ở Việt Nam thì ngược lại, thời bao cấp, chúng ta coi hầu hết mọi hàng hoá, dịch vụ đều phải do Nhà nước cung cấp, từ que kem Tràng Tiền, cho đến cái bóng đèn Rạng Đông, từ chương trình chiếu bóng đến lưu trú khách sạn...
Sau đổi mới, chúng ta giảm rất nhiều các hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước cung cấp. Đến gần đây, Chính phủ có tuyên bố làm nức lòng doanh nhân cả nước: "Chính phủ không bán bia, không bán sữa".
Quay trở lại câu chuyện truyền hình. VTV vẫn là đài truyền hình của Nhà nước, nhưng đã tự chủ tài chính. Theo tôi biết (có thể mình sai), Nhà nước trả tiền cho VTV khi đầu tư hạ tầng truyền dẫn và sản xuất chương trình chính luận. Còn tất cả các chương trình giải trí thì đã tự thu tự chi. Điều này tạm được hiểu rằng, Chính phủ đã coi các chương trình chính luận vẫn được coi là dịch vụ công, còn chương trình giải trí thì không.
Câu hỏi bây giờ là: Chương trình truyền hình trận bóng của đội tuyển quốc gia có phải là dịch vụ công không?
Người phủ định thì sẽ lập luận đơn giản: Đó là chương trình giải trí. Một chương trình giải trí thì sao có thể coi là dịch vụ công? Người khẳng định sẽ vin vào lý do đó là đội tuyển quốc gia, hàng chục triệu người có nhu cầu, đó là thể diện quốc gia...
Cũng khó nhỉ?
Nhưng nhớ rằng, nếu ai đó, với tư cách một người sử dụng dịch vụ, yêu cầu VTV, với tư cách bên cung cấp dịch vụ truyền hình, cung cấp thêm chương trình tường thuật trực tiếp ASIAD, thì đó là quan hệ khách hàng và nhà cung cấp.
Yêu cầu đó chính đáng, nhưng bên cung cấp dịch vụ có quyền từ chối, nếu họ tính toán thấy rằng không có lợi cho họ. Mình đồng tình rằng có lẽ VTV đã tính toán sai, khi không nghĩ rằng đội tuyển Việt Nam đá hay thế, tuy nhiên, đây lại là chuyện kinh doanh.