Fica
  1. Góc nhìn

Doanh nghiệp cần được đảm bảo "sống" qua khủng hoảng!

Quách Mạnh Hào
Quách Mạnh Hào

Thị trường chứng khoán Việt Nam không thể tách rời triển vọng nền kinh tế Việt Nam.

Ông Quách Mạnh Hào, Chuyên gia ngành Ngân hàng Tài chính, Đại học Lincoln, Vương quốc Anh

Giống như bất kỳ nền kinh tế nào khác, đặc thù của cuộc khủng hoảng lần này đòi hỏi cỗ xe kinh tế phải được cứu chữa trước khi nghĩ tới tăng trưởng. Do vậy, các gói cứu trợ nhằm trực tiếp vào cải thiện dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp và của nền kinh tế là cần thiết. Nó cần được thiết kế đúng mức, đúng đối tượng để đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ sống qua khủng hoảng.

Chúng ta đang chứng kiến một thị trường suy giảm lớn lần thứ ba trong vòng 20 năm trở lại đây. Hai lần trước là năm 2000 và 2008. Lý do để thị trường suy giảm rất khác nhau: Năm 2000 là bong bóng công nghệ, năm 2008 là khủng hoảng tài chính và lần này là khủng hoảng virus.

Tuy nhiên, điểm chung của hai lần khủng hoảng trước nằm ở yếu tố tiền tệ. Chính sách tiền rẻ đã tạo ra bong bóng công nghệ năm 2000 và bong bóng thị trường nhà ở gắn liền với các khoản vay không đạt chuẩn năm 2008. Cuộc khủng hoảng lần này không như vậy - nó bắt nguồn từ sự lo sợ suy thoái kinh tế do chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ bởi sự lây lan của dịch bệnh.

Nỗi sợ hãi suy thoái kinh tế toàn cầu của các nhà đầu tư là hoàn toàn có thể hiểu được do sự gắn bó chặt chẽ giữa các quốc gia và các doanh nghiệp trong quá trình toàn cầu hóa và chuyên môn hóa. Chuỗi cung ứng bị phá vỡ dẫn tới các mô hình kinh doanh của doanh nghiệp và mô hình kinh tế của quốc gia không còn vận hành trơn tru.

Nói một cách hình tượng, nền kinh tế hay doanh nghiệp giống như một chiếc xe đang chạy tốt bỗng nhiên dừng lại. Khủng hoảng năm 2000 và năm 2008 là do sặc xăng nên chỉ cần điều chỉnh và bơm xăng là xe chạy. Năm 2020, xe không thiếu xăng, mà là xe bị hỏng. Bơm xăng không làm xe chạy và thậm chí bơm nhiều dễ gây cháy xe. Xăng là tiền.

Trong hai lần khủng hoảng trước, nguyên nhân tiền tệ đã được giải quyết bằng các chính sách liên quan tới tiền tệ và thị trường sau đó khởi sắc. Chẳng hạn, chúng ta đã có một thập kỷ đầu tư với lợi tức tốt cho đến khi virus xuất hiện. Để ứng phó với khủng hoảng lần này, các quốc gia đã công bố các gói cứu trợ lên tới vài trăm hoặc vài nghìn tỷ đô la. Tuy nhiên, bản chất của các chính sách hỗ trợ liên quan tới tiền tệ này đã không còn giống nhau.

Do vậy, nếu dịch virus kéo dài, rất khó để nghĩ rằng các thị trường chứng khoán sẽ hồi phục sớm bằng các gói cứu trợ. Dù vậy, các gói cứu trợ hiện tại - tập trung chủ yếu vào cải thiện dòng tiền hoạt động - sẽ giúp các doanh nghiệp và các nền kinh tế sống sót. Nghĩa là cần thời gian và cần các gói cứu trợ tiếp theo để phát triển. Chỉ khi đó thị trường chứng khoán mới có thể nghĩ tới sự tăng trưởng trở lại. Thời gian chờ đợi có thể tính bằng năm.