Fica
  1. Góc nhìn

Chiến tranh lạnh mới sắp được định hình

Nguyễn Trần Bạt
Nguyễn Trần Bạt

Cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang cho thế giới nhiều bài học lớn, nó cũng cho Việt Nam thấy những xu hướng mới mà phải nghiên cứu, nhìn sớm ra vấn đề để có đối sách phù hợp.

Ông Nguyễn Trần Bạt, Luật sư, chuyên gia kinh tế

Cuộc chiến tranh lạnh trước đây là cuộc chiến thuần túy về ý thức hệ. Mọi sáng tạo trước đây trong cuộc chiến tranh lạnh cũ với Liên Xô là để biểu dương ý thức hệ. Còn mọi sáng tạo bây giờ là để các quốc gia hùng mạnh hơn và thắng trong từng cuộc cạnh tranh một.

Chúng ta phải hình dung cuộc chiến tranh lạnh mới không thể chỉ đối phó bằng lời nói mà còn bằng lao động thật sự, sáng tạo thật sự, bằng cả sự khôn ngoan về chính trị, sự thông minh về khoa học và sự cần cù trong lao động phát triển kinh tế.

Nếu không hiểu điều ấy thì chúng ta sẽ không có khả năng phán đoán tương lai của bất kỳ cái gì, cả tương lai của chúng ta lẫn tương lai của cuộc chiến tranh thương mại, tương lai của thế giới.

Thế giới đang chuyển dần từ một cuộc chiến tranh lạnh cổ điển đến một cuộc chiến tranh lạnh hiện đại. Chiến tranh lạnh lần này là sự đối đầu giữa các quốc gia dựa trên ba yếu tố: sự khôn ngoan chính trị, sự thông minh về khoa học-công nghệ và sự cần cù lao động phát triển kinh tế.

Mỹ đã phát động chiến tranh lạnh hiện đại bằng cách tấn công vào lĩnh vực khoa học và công nghệ, điểm yếu nhất của phương Đông và của Trung Quốc.

Chúng ta đừng nghĩ chỉ có phương Tây mới đi trước, vào thế kỷ 15 và 16, kinh tế Trung Quốc đã lãnh đạo thế giới. Tất cả các hiện tượng khoa học và công nghệ người Trung Quốc đều có trước.

Toán học Trung Quốc phát triển trước, thuốc nổ Trung Quốc cũng phát triển trước…, thương mại quốc tế thì Trung Quốc đi trước thiên hạ rất xa. Con đường tơ lụa đã hình thành từ thế kỷ thứ 2, trước Công nguyên.

Trung Quốc đi trước, nhưng vì thắng lợi nên tự mãn và sai lầm một cách toàn diện trong cả triết lý, tôn giáo lẫn khoa học. Kết quả là Trung Quốc trở thành kẻ đi chậm và trở thành người làm thuê của các nước phương Tây vào những năm cuối thế kỷ 19.

Trước kia, chiến tranh lạnh cũ hình thành bằng sức mạnh quân sự. Để ngăn cản chiến tranh thật thì các chính phủ dùng sức mạnh quân sự gầm gừ đe dọa nhau. Còn chiến tranh lạnh bây giờ là cuộc chiến tranh của mọi người, cuộc chiến tranh toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học. Các chính phủ hiện nay phải chịu trách nhiệm lãnh đạo để đối phó với cuộc chiến tranh lạnh mới.

Trước đây chúng ta từng đối mặt với các kẻ địch quân sự, bây giờ chúng ta phải đối mặt cả với các kẻ địch kinh tế, với những chiêu bài khác nhau và phải tỉnh táo, tự chủ.

Năm 1980, Mỹ từng gây chiến về kinh tế với Nhật Bản là vì Nhật Bản có những lầm tưởng về sức mạnh kinh tế của mình.

Người Nhật lúc đó tưởng mình có thể mua hết nước Mỹ, rất nhiều người Nhật bỏ tiền ra mua các đảo ở Hawai, rất nhiều công ty Nhật xâm chiếm thị trường và mua các công ty của Mỹ. Hành động lúc ấy của Mỹ là một hành động cục bộ nhằm ngăn chặn khuynh hướng tiêu cực giữa hai đồng minh, cho nên họ không đánh nhau đến chết.

Sự va chạm kinh tế giữa Nhật Bản và Mỹ năm 1980 không phải là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh lạnh, nhưng vấn đề của Mỹ và Trung Quốc hiện nay là biểu hiện của một cuộc chiến tranh lạnh. Hai quy mô khác nhau, với tính chất khác nhau, không nên so sánh. Việc so sánh sẽ khiến chúng ta nhầm lẫn và phân tích tình thế sai.

Nước Nhật không hề thất bại trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ thập niên 80 của thế kỷ 20 mà họ nhún nhường, mềm mại lùi một số bước căn bản và giữ được mình, chấp nhận trở thành nền kinh tế đứng thứ ba thế giới.

Người Nhật vĩ đại là bởi họ biết lùi, sự phát triển chính trị là một quá trình buộc phải có, nhưng phải kiên nhẫn và phải chịu đựng. Không phải cứ muốn có dân chủ tự do, muốn sáng tạo là có ngay được.