Không nản dù trong tâm dịch
Mặc dù bị cơn bão Covid-19 hoành hành và trở thành tâm dịch, song vụ mùa vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm nay vẫn bội thu. Theo đó, tính đến ngày 8/7, Bắc Giang đã kết thúc mùa vải thiều năm 2021 với thắng lợi cả về sản lượng cũng như chất lượng.
Năm 2021, tổng diện tích trồng vải an toàn toàn tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì 28.100ha. Trong đó, vải chín sớm là 6.050ha, vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha; vải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP là 15.200 ha, hướng tới đạt 100% diện tích tại 5 huyện sản xuất vải trọng điểm để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Khác với mọi năm, việc tiêu thụ vải thiều của bà con nông dân vẫn chủ yếu dựa vào... may rủi, giá cả bấp bênh do cung luôn vượt quá cầu, năm nay, vải thiều Bắc Giang đã có đầu ra ngay khi thu hoạch, thậm chí còn xuất khẩu với số lượng không nhỏ sang các thị trường quốc tế như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hình thành và duy trì được hàng trăm mã số vùng trồng đối với vải thiều xuất khẩu.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, vải thiều của Lục Ngạn (Bắc Giang) hay vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài được giá rất cao, dao động quanh mức 350.000 đồng -500.000 đồng/kg. Đặc biệt, vải thiều xuất khẩu của chúng ta được thị trường Nhật Bản hết sức ưa chuộng. Trái vải được đóng hộp với hình thức, mẫu mã đẹp, sang trọng... đã được người tiêu dùng Nhật Bản tìm mua để làm quà biếu, tặng. Chính bởi vậy, lượng vải xuất khẩu sang Nhật Bản bao nhiêu đều được tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Tại thị trường trong nước, trái vải cũng được giá hơn hẳn so với mọi năm. Riêng với sản lượng vải thiều Bắc Giang năm nay, sản lượng tiêu thụ trong nước đạt 126.552 tấn, chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng tiêu thụ. Vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ khắp cả nước, những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận phía Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.
Vải thiều có mặt tại hầu hết các siêu thị (Big C, Mega Market, Saigon Co.opmart, Happro, Aeon, Lotte, Vinmart…), trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống thông qua thương nhân, DN, tập đoàn bán lẻ...
Nỗ lực giành thị phần trên thị trường thế giới
Không chỉ vải thiều Bắc Giang, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) cũng đã có một năm bội thu, được cả mùa lẫn giá. Vào chính vụ tháng 6 vừa qua, trái vải thiều Thanh Hà được xuất khẩu với một sản lượng khá lớn đến các thị trường như Úc, Châu Âu, Nhật Bản... và đã được người tiêu dùng các nước hồ hởi đón nhận.
Cụ thể, những ngày đầu tháng 6/2021, lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên của tỉnh Hải Dương đã lên đường chinh phục thị trường Châu Âu, tiếp sau đó những lô vải thiều chất lượng cao tiếp tục được xuất khẩu ra nhiều thị trường, cho thấy, nông sản Việt ngày càng khẳng định chỗ đứng, vị thế của mình trên thị trường thế giới.
Có thể thấy, sự vào cuộc từ rất sớm của nhà quản lý trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm các kênh tiêu thụ trong và ngoài nước, kết nối các DN bán lẻ, nhà phân phối để đưa trái vải vào các kênh siêu thị, từ đó đến tay người tiêu dùng với chất lượng cao, giá tốt... đã giúp cho vụ vải năm nay của bà con nông dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Năm nay, bà con nông dân được mùa vải với đúng nghĩa “được cả mùa lẫn giá”, không còn cảnh giải cứu, ế thừa, bán rẻ như cho như mọi năm.
Điều này tiếp tục minh chứng rằng, vải thiều nói riêng, hàng nông sản của Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể giành được thị phần trên thị trường thế giới. Tất nhiên, để có thể vững chân tại các thị trường khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ hay Nhật Bản...chúng ta vẫn cần phải đảm bảo các quy chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo các quy định về xuất xứ. Và câu chuyện của trái vải khi được gắn mã xuất xứ, được trồng theo tiêu chuẩn Global gab, Vietgab... đã được thế giới đón nhận chính là ví dụ điển hình cho sự tuân thủ này.
Bên cạnh đó, đi cùng với quá trình sản xuất thì công tác dự báo thị trường cũng rất quan trọng. Song song với đó, mở rộng thị trường, đa dạng hóa các kênh phân phối, tạo thị trường vững chắc cho các sản phẩm nông sản... Như vậy, không chỉ vụ vải thiều mà các sản phẩm nông sản khác cũng sẽ không còn phải trăn trở với “bài toán đầu ra”.
Thế Hưng