Fica
  1. Đời Sống

Vỡ mộng làm giàu ngày Tết: Dân buôn thời vụ lỗ nặng, "méo mặt" với hàng tồn

Dịch Covid-19 trở lại khiến nhiều dân buôn không kịp trở tay, khóc ròng khi đầu tư cả trăm triệu đồng nhập hàng về bán, mong Tết "đổi đời" nhưng cuối cùng là ôm nợ.

Ôm mộng đổi đời dịp cuối năm, vợ chồng anh Hà (Hà Đông, Hà Nội) vay 100 triệu đồng để nhập quất cảnh, hoa bán Tết. Ngay từ rằm tháng Chạp, anh đã thuê xe đến Hưng Yên để chở hàng về. Đây là năm thứ hai, vợ chồng anh gia nhập hội bán buôn thời vụ dịp Tết, nhưng lãi chẳng thấy đâu chỉ thấy ế ẩm, lỗ vốn chỏng vó. Thậm chí, anh phải vận động, cầu khẩn hết người nhà, bạn bè, đồng nghiệp ra giải cứu hàng Tết.

"Nếu năm nay không có dịch Covid-19 thì chúng tôi cũng không đến khốn khổ như bây giờ, bởi lượng hàng bán ra lẹt đẹt dù giá đã giảm sâu. Đến chiều 29 Tết, nhà tôi mới bán được 2/3 số cây nhập về" - anh buồn rầu nói.

Vỡ mộng làm giàu ngày Tết: Dân buôn thời vụ lỗ nặng, méo mặt với hàng tồn - 1

Nhiều dân buôn thời vụ lỗ nặng khi kinh doanh hoa, cây cảnh ngày Tết.

Theo nhẩm tính của anh Hà, Tết năm nay, vợ chồng anh lỗ gần 30 triệu đồng vì ôm chỗ quất cảnh, hoa Tết. "May số tiền đó nhà tôi vay của ông bà nên cũng không phải trả lãi, chứ không thì ốm đòn. Chẳng bù như Tết năm trước, nhờ buôn may bán đắt, chúng tôi thu về hơn 60 triệu đồng tiền lãi".

Để tiêu thụ nhanh, các mặt hàng hoa, cây cảnh nhà anh đều giảm từ 30 - 50% so với giá niêm yết. Như cây quất bonsai, dáng đẹp, năm trước có giá 5 triệu đồng thì nay chỉ còn 2 - 3 triệu đồng/cây. Hoa trạng nguyên năm ngoái là 80.000 - 100.000 đồng/chậu, vào dịp Tết Tân Sửu, giá chỉ 40.000 - 60.000 đồng/chậu. 

Vỡ mộng làm giàu ngày Tết: Dân buôn thời vụ lỗ nặng, méo mặt với hàng tồn - 2

Nhiều cửa hàng ồ ạt thanh lý, xả hàng Tết chạy dịch Covid-19.

Đồng cảnh ngộ, chị Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội) nghe thấy bạn bè truyền tai nhau, buôn đào dịp Tết trúng lớn nên cũng xách túi đi buôn. Chị bàn với chồng bỏ ra 50 triệu đồng đến một làng chuyên trồng hoa đào ở Hà Nội nhập hàng về bán. Nhưng mọi thứ không như kỳ vọng, mới 23 Tết, chị đã phải vội vã phải treo biển xả hàng, thanh lý gấp do dịch Covid-19 trở lại.

Chị Huyền cho biết, như mọi khi, một cành đào đẹp có giá 1 - 2 triệu đồng thì Tết năm nay giảm xuống chỉ còn 400.000 - 800.000 đồng/cành. Hơn nữa, thời tiết ấm cũng là nguyên nhân khiến đào mất giá không phanh khi hoa nở nhanh, "cười" tươi trước Tết.

"Đào nhà tôi là nhập nguyên cành nên phải bán gấp, chứ không, chúng nở toe toét là chỉ có nước vứt đi. Hơn nữa, dịch Covid-19 ập đến quá nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay, đến khóc dở mếu dở khi lượng khách sụt giảm trầm trọng" - chị kể.

Vỡ mộng làm giàu ngày Tết: Dân buôn thời vụ lỗ nặng, méo mặt với hàng tồn - 3

Dân buôn hoa, cây cảnh ngày Tết lo mất ăn mất ngủ khi hàng ế ẩm.

Tương tự, nhóm buôn dưa hấu khắc chữ của chị Dịu (Hà Nội) cũng khốn khổ khi khách đồng loạt hủy đơn. Chị cho biết, nhóm chị có 3 người cùng nhau hùn vốn nhập hơn 4.000 quả dưa hấu từ Lâm Đồng chuyển ra Hà Nội để trang trí. Nhưng khi dịch Covid-19 trở lại một số tỉnh miền Bắc, nhiều khách đã từ chối lấy hàng.

"Chúng tôi phải nhập dưa hấu trước Tết cả tháng vì còn phải mang về khắc, quét nhũ, phủ bóng lên trên. Ai ngờ, giàu đâu chưa thấy mà chỉ thấy đau đầu. Bởi khi dịch trở lại, toàn bộ khách ở các tỉnh như như Quảng Ninh, Hải Dương đồng loạt hủy đơn, ước tính lên tới 3.000 quả" - chị tâm sự.

Vỡ mộng làm giàu ngày Tết: Dân buôn thời vụ lỗ nặng, méo mặt với hàng tồn - 4

Khách ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh đồng loạt hủy đơn đặt dưa hấu nhà chị Dịu khi dịch Covid-19 trở lại.

Ngoài ra, chị Dịu còn cho hay, do đây là khách quen nên nhà chị không yêu cầu đặt cọc. Nên nhóm chị thay vì bán buôn như năm trước thì tập chung bán lẻ để đẩy hết số dưa ra thị trường.

"Thực tình lúc nghe tin hủy đơn, chúng tôi rất hoang mang nhưng cũng phải thông cảm cho khách vì họ cực chẳng đã mới làm như vậy. Dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn, nên mỗi bên thông cảm, giúp đỡ nhau đôi phần"- chị giãi bày.

Vỡ mộng làm giàu ngày Tết: Dân buôn thời vụ lỗ nặng, méo mặt với hàng tồn - 5

Thời gian khắc, trang trí một quả dưa hấu mất khoảng 30 - 45 phút.

Để khắc phục tình hình, chị Dịu phải thuê thêm nhân viên thời vụ để bán dưa ở các điểm chợ quanh Hà Nội và bỏ tiền chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh mảng kinh doanh online. Thế nên, mùa Tết năm nay, mục tiêu lớn nhất của nhóm chị là bán hết hàng, đủ hòa vốn mà không lỗ đồng nào.

Hoàng Dung