Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất bazan, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (trú tại thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai) đã chứng kiến cảnh người dân “một nắng, hai sương” để làm ra hạt cà phê.
Nhiều năm trở lại đây, cà phê liên tục rơi vào thảm cảnh “được mùa, mất giá”, thương lái ép giá. Không những thế, chính người nông dân làm ra hạt cà phê nhưng lại phải uống loại cà phê bột từ các tỉnh khác nhập vào.
Chị Xuân cùng gia đình đã mạnh dạn đầu tư nhằm sản xuất ra những loại cà phê thành phẩm trên mảnh đất bazan.
Chính những bất cập trên đã khiến chị Xuân có động lực mày mò, tìm ra con đường sản xuất loại cà phê sạch do chính người nông dân trên địa bàn làm ra.
Chị Xuân tâm sự: “Thời gian trước, vợ chồng thường trồng cà phê đến lúc thu hoạch thì có thương lái đến thu mua. Quần quật chăm bón nhưng cuối năm thu hoạch chỉ đủ vốn tái đầu tư, nhiều năm lỗ nặng. Nỗi lo không bán được cà phê luôn canh cánh trong lòng mỗi người nông dân…”.
Qua nhiều thông tin, vợ chồng chị đã quyết định vay mượn để đi theo con đường làm cà phê sạch. Sạch từ khâu trồng trọt, thu hái và chế biến thành phẩm ngay tại địa phương.
Chị Xuân phải lựa chọn ra những hạt cà phê đạt tiêu chuẩn để làm hương vị cà phê bột trở nên đậm đà, tự nhiên và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng
Lúc này, hai vợ chồng đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư vào vườn cà phê rộng 5ha. Để xây dựng cà phê thương hiệu sạch, chị Xuân rất tỉ mỉ trong khâu chăm sóc, cải tạo đất và không lạm dụng thuốc hóa học.
Chủ yếu sử dụng phân bón vi sinh, NPK, bã cà phê lên men…nhằm giúp cho vườn cà phê khỏe từ bên trong, ít sâu bệnh, sản lượng ổn định, chất lượng cà phê vượt trội.
Đến mùa thu hái, chị chỉ hái quả chín không hái quả xanh. Trong vòng 24h phải đem sơ chế, loại bỏ quả khô, quả một nhân. Sau đó, cà phê được cho vào máy để tách lớp vỏ rồi đưa ra phơi trên lưới hoặc giàn phơi, đạt độ ẩm mới đưa vào kho bảo quản.
Bằng những máy móc đơn sơ, chị Xuân đã đưa ra những góp cà phê tự nhiên và thu về hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
"Để cho ra sản phẩm đạt chất lượng, khâu chế biến cực kỳ quan trọng. Tôi sử dụng phương pháp chế biến “bán ướt”, yêu cầu bắt buộc là thu hái quả chín tươi với tỷ lệ từ 85% trở lên. Chính vì vậy, khi khách hàng bưng ly cà phê thành phẩm uống sẽ cho vị thơm tự nhiên, đậm đà, mang hương vị tự nhiên”, chị Xuân bộc bạch.
Mỗi năm, vườn cà phê 5ha của anh chị đạt sản lượng khoảng 20 tấn. Trong đó có 17 tấn dùng để chế biến, rang xay, đóng gói đưa ra thị trường, còn 3 tấn loại thường thì bán nhân xô.
Trung bình mỗi tháng, cơ sở của gia đình xuất ra thị trường 7 tạ cà phê bột, có mức giá từ 150.000 - 300.000 đồng/kg. Đặc biệt, chị còn mạnh dạn kết hợp với các nông dân trên địa bàn để thu mua loại cà phê chất lượng để đưa vào sản xuất cà phê bột.
Nhờ vậy, những hạt cà phê chất lượng của bà con trên địa bàn được mua giá cao do giảm được chi phí vận chuyển, bảo quản…
Với việc làm của chị đã giúp giải quyết cho hàng chục lao đồng trên địa bàn và khiến hạt cà phê trở nên có giá trị hơn
“Mạnh dạn đi theo con đường làm cà phê sạch mà thu nhập của gia đình đã tăng mạnh từ 300 triệu đồng/năm lên hơn 1 tỷ đồng/năm nhờ việc bán cà phê bột ra thị trường. Hiện gia đình đang tiến hành mở rộng quy mô sản xuất để thu gom nông sản của bà con trên địa bàn rồi chế biến ra thành phẩm.”, chị Xuân vui mừng nói.
Theo chị Xuân, khó khăn lớn nhất khi đi theo con đường làm cà phê sạch chính là phải cạnh tranh với các dòng “cà phê bẩn”, giá thành thấp, chạy theo lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng.
Chính vì vậy, chị Xuân luôn đưa ra những thông tin rõ ràng về quy trình sản xuất cà phê để người tiêu dùng được biết và tin tưởng. Hiện gia đình anh chị Xuân đã có hai cơ sở tại TP.Pleiku (Gia Lai) và ở TP. Đà Nẵng.
Phạm Hoàng