Anh đào của Mỹ
Nguyễn Thị Hạnh chưa bao giờ ăn anh đào trước cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Là một công nhân 64 tuổi về hưu sống ở Hà Nội, cô thường thấy loại trái cây này được bán tại một cửa hàng gần nhà, nhưng với mức lương hưu hàng tháng chỉ 5 triệu, món ăn nhập khẩu này nằm ngoài phạm có thể mua của cô.
Tuy nhiên, những ngày này, cô đã có thể mua anh đào để thưởng thức, với giá khoảng 200 nghìn đồng một kg, giá này bằng khoảng một nửa giá cũ trước đây.
“Tôi nghĩ rằng nhiều người Việt Nam không ăn anh đào vì chúng quá đắt, vì vậy tôi hy vọng giá sẽ giảm nhiều hơn nữa, để nhiều người có thể mua chúng”, cô Hạnh nói, trong khi cô mua lấy kg thứ ba chỉ trong vòng hai tháng.
Bùi Thu Thúy, chủ một cửa hàng ở Hà Nội cho rằng, giá giảm do cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam”, cô nói, tại nơi được bao quanh bởi những khay anh đào và táo đỏ của Mỹ.
“Doanh số của cửa hàng đã tăng 30% trong năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái”, Thúy nói thêm, “và lượng mua anh đào đã tăng lên tới 40%”.
Cuộc chiến thương mại, bây giờ là năm thứ hai, đã giáng một đòn kinh tế mạnh vào một ngành nông nghiệp Mỹ do sự phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Anh đào là một trong những nạn nhân đầu tiên khi Bắc Kinh tung ra mức thuế trả đũa vào tháng Tư năm ngoái. Theo số liệu của chính quyền Mỹ, tại tiểu bang Washington, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã giảm hơn một nửa.
Các loại trái cây khác bao gồm táo và nho Mỹ cũng ngày càng nhiều trong các cửa hàng Việt Nam, cũng như các loại thịt và cây trồng chủ lực của Mỹ như đậu nành.
Các siêu thị ở Hà Nội hiện đang trưng bày nho, việt quất và anh đào của Mỹ với mức giảm giá lớn, trong khi thịt bò Hoa Kỳ cũng đang được bán với giá rẻ.
Theo số liệu hải quan, xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Việt Nam đã tăng 20% trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng 70% trong rau quả. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một cố vấn kinh tế kỳ cựu cho thủ tướng Việt Nam, đã rất hoan nghênh sự thay đổi này.
“Chất lượng của chúng rất tuyệt vời và mọi người thích chúng. Tôi nghĩ rằng đây là một sự phát triển đáng hoan nghênh”, ông nói.
Sự bùng nổ này thậm chí đã khuyến khích một số người quyết định bước chân vào ngành kinh doanh. Nguyễn Thị Thu, một giáo viên mẫu giáo ở Hà Nội, cho biết, vài tháng trước cô quyết định bán trái cây trực tuyến như nghề phụ khi cô nhận ra anh đào đã trở nên phổ biến như thế nào trong giới trẻ. Là một người phụ nữ khiêm tốn với mức lương hàng tháng khoảng 6 triệu đồng, cô đã kiếm được khoản lãi tới 4 triệu bằng cách bán 180kg anh đào trong suốt hai tháng.
“Lúc đầu, tôi không có ý định bán loại trái cây này, nhưng khi tôi mua anh đào cho con, chúng rất thích và tôi thấy nhiều người cũng như vậy”, cô nói.
Bên cạnh đó, những thương hiệu sản xuất tại Mỹ cũng là một đối tượng được hưởng lợi. Đinh Tiến Thành, phó giám đốc điều hành của Hapro, một trong những công ty xuất nhập khẩu lớn nhất Việt Nam và là chủ sở hữu của một chuỗi siêu thị cùng tên, cho biết lần đầu tiên công ty đã bắt đầu bán các sản phẩm của Mỹ. “Rượu vang, thịt bò và thịt gà của Mỹ là một trong những sản phẩm sẽ sớm có mặt trên kệ của Hapro. Thương hiệu Mỹ bán rất tốt”, ông nói.
“Tôi nghĩ rằng tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam rất thích các sản phẩm của Mỹ”, ông nói.
Nhưng Thành cũng thừa nhận rằng một số loại thịt mới của Hoa Kỳ có thể sẽ đe dọa ngành công nghiệp địa phương. “Thịt gà nhập khẩu, thịt lợn và đặc biệt là thịt bò thực sự rẻ hơn và có chất lượng tốt hơn”, ông nói.
Thịt bò Mỹ được bày bán trong một siêu thị
Đầu tháng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải đã cảnh báo về rủi ro đối với ngành nông nghiệp trong nước, và Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết đây sẽ là một “thách thức” đối với ngành công nghiệp thịt Việt Nam để theo kịp xu hướng.
“Các nhà sản xuất Việt Nam chủ yếu là các hộ gia đình nhỏ với kỹ thuật còn lạc hậu và quy trình chăn nuôi không được thực sự tốt, vì vậy chất lượng sản phẩm bị hạn chế”, ông nói, “nhiệm vụ của ngành công nghiệp thịt địa phương là hiện đại hóa”.
“Tôi nghĩ đó là một cuộc cạnh tranh khốc liệt và các nhà sản xuất Việt Nam phải học cách cạnh tranh”
Thùy Dung
Theo Scmp