Trái đắng lan đột biến: bán tháo cho... người thân
Một nghệ nhân lâu năm rất nổi tiếng trong giới sinh vật cảnh ở Thường Tín - TP. Hà Nội cho biết, chính bản thân trong gia đình người này cũng đang có người thân gặp phải trái đắng khi bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư vào lan Phi điệp đột biến .
Theo đó, tháng 6/2020, em trai của nghệ nhân này bỏ ra hơn 200 triệu đồng để mua một giò lan Phi điệp đột biến, chỉ vài tháng sau bán được 900 triệu đồng, thấy lãi khủng nên ham.
Một kie lan Phi điệp đột biến được bán với giá cả tỷ đồng ở Việt Nam được cho là tạo cơn sốt ảo, khiến nhiều người ngậm trái đắng.
“Ngay khi bán được giò lan 900 triệu đồng, hai vợ chồng em trai tôi mua đúng được 1 chiếc xe máy trị giá 100 triệu đồng, rồi tiếp tục bàn với nhau bán thêm 2 thổ đất, để dồn tiền đủ 3 tỷ đồng mua một giò lan khác” - vị nghệ nhân này nói và chia sẻ thêm: Đến lúc này thì không bán được cho ai dù là bán tháo, thậm chí phải gạ bán cả cho người thân, bạn bè.
Không chỉ em trai người này dính phải hoàn cảnh này, rất nhiều bạn bè anh ở khắp nơi trên cả nước cũng rơi vào cảnh tương tự.
Cấy mô Phi điệp đột biến dễ dàng
Trước làn sóng lan đột biến giá tiền tỷ, TS Nguyễn Mai Thơm - Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, dưới góc nhìn khoa học thì lan Phi điệp đột biến nhân giống bằng cấy mô và nhân giống bằng cắt kie hoàn toàn không khác nhau về mặt bản chất, đó đều là kiểu nhân giống vô tính và giữ nguyên bản chất di truyền.
Ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng có đủ trình độ để có thể nhân giống bằng phương pháp cấy mô, giống như các nước khác. Đây là việc làm hết sức bình thường, chỉ là phương pháp nhân giống thông thường.
Khó khăn nhất ở việc nhân giống lan Phi điệp đột biến bằng phương pháp cấy mô theo ông Thơm là ở những cây con khi sinh ra có tạo ra thêm các đột biến khác để tạo thành kỳ hoa dị thảo.
“Đó là khi các nhà khoa học nghiên cứu, dùng các tia phóng xạ với khoảng thời gian và liều lượng sao cho phù hợp, chiếu lên sản phẩm để làm thay đổi cấu trúc di truyền, thay đổi kiểu gen, tạo thành một kiểu gen mới để làm ra cây đột biến để tạo ra cây con tốt hơn cây mẹ cả về nội dung lẫn hình thức” - ông Thơm chia sẻ thêm.
Đặc biệt theo vị này, để cho ra được hiện tượng đột biến từ nuôi cấy mô đó là cả một công trình khoa học được nghiên cứu dựa trên lý thuyết và thực hành. Còn nếu như nhân giống lan Phi điệp cấy mô cho ra giống như cây mẹ thì không có gì là ghê gớm.
Cú lừa Phi điệp 2,6 tỷ đồng tuổi xế chiều
Đã 60 tuổi, nhưng ông N.V.T. (Phù Ninh, Phú Thọ) vẫn đau đớn vấp ngã vì lan Phi điệp .
Theo ông T, trước đây, dù có chơi lan, nhưng ông T chỉ chơi hạng lan "bờ rào - không giá trị". Nhưng sau khi được con trai mua tặng 2 kie lan Phi điệp đột biến 5 cánh trắng HO (Hiển Oanh), ông bán đi thu về hàng chục triệu đồng nên mới quyết đầu tư lớn.
Bỏ ra 2,6 tỷ đồng đầu tư vào 10 cây lan Phi điệp đột biến, ông T. cũng đã rất cẩn trọng khi tìm tới nhà vườn uy tín, lúc giao dịch cũng kèm theo giấy bảo hành.
Lan Phi điệp đột biến 5 cánh trắng được cho là nhân giống mô tràn lan từ một nhà vườn ở Đài Loan (Trung Quốc) với giá chỉ vài trăm nghìn đồng/cây.
Sau khi nhập được số lan Phi điệp đột biến này về, một thời gian sau có nhiều nhóm người tìm đến nhà hỏi mua với giá rất cao. Nghĩ rằng người bán đã chuyển cho mình đúng cây nên ông T đã nhờ con trai chuyển nốt số tiền còn lại để thanh toán dứt điểm cho nhà vườn còn số lan mua về được bán cho người khác.
Tuy nhiên, một thời gian sau, nhóm người mua lan nhà ông T. tìm đến khẳng định, những kie lan ông bán cho họ không phải là Phi điệp đột biến mà đó chỉ là cây cấy mô.
Lúc này ông T mới ngớ người ra, không tin vào mắt mình. Bằng kinh nghiệm của mình, ông không thể phát hiện ra đó là cây cấy mô mặc dù bên ngoài, đó cũng là hàng xanh, sạch - đặc điểm của lan var.
Thế Hưng
Tổng hợp