Hà cổ ngỗng hay hà ngỗng, có người gọi là ốc cổ ngỗng - loại hải sản có giá đắt đỏ 177 USD/kg (~4,1 triệu đồng/kg).
Nó cũng được ví là "ngón tay của quỷ Lucifer" do hình dáng bên ngoài đáng sợ.
Đây là loại có hình dáng kỳ quái với cổ dài (phần ăn được) được bọc trong một ống màu đen thêm lớp màu móng vuốt trắng lởm chởm như ngón chân khủng long.
Đằng sau vẻ ngoài đáng sợ đó là hương vị cực kỳ ngon khi thưởng thức nên nhiều người ở Bồ Đào Nha thích ăn.
Hà cổ ngỗng là loài giáp xác, sống bằng cách bám vào các tảng đá trơn, nhô ra biển, ở nơi có sóng lớn.
Bởi vì, chỉ có những khu vực này được sóng lớn ập vào sẽ cung cấp cho chúng sinh vật phù du để làm thức ăn.
Do chúng sống ở những nơi hiểm trở như vậy nên việc thu hoạch hà cổ ngỗng không hề dễ dàng. Người thu hoạch chỉ cần sơ sẩy một chút có thể gặp nguy hiểm do những cơn sóng ập vào xô họ vào đá khiến họ có thể bị bất tỉnh do va chạm với đá, chết đuối hay trầy xước, gãy tay chân...
Theo Telegraph, trước các lễ hội quan trọng, ngư dân có thể bán được với giá 300 Euro/kg (~7,8 triệu đồng/kg), may mắn họ có thể kiếm được 1000 Euro/ngày (~26,1 triệu đồng), nhưng để thu hoạch được cũng rất nguy hiểm.
Hà cổ ngỗng không nuôi được nên các ngư dân địa phương Bồ Đào Nha sẽ bất chấp hiểm nguy để thu hoạch. Từ tháng 9-12 hàng năm, loại hải sản này không thu hoạch được.
Người thu hoạch hà cổ ngỗng phải đu xuống từ những vách đá cao 100m bằng dây và đục lấy hà cổ ngỗng khi thủy triều xuống hoặc tiếp cận các tảng đá bằng thuyền, sau đó neo thuyền ở một vị trí rồi lặn về phía vách đá
Muốn thu hoạch loại hải sản này phải có giấy phép. Mỗi năm có khoảng 80 giấy phép lặn để thu hoạch được cấp và mỗi ngày chỉ được thu hoạch 15kg
Sau khi thu hoạch, hà cổ ngỗng được chế biến theo cách đơn giản nhất là luộc trong nước muối vài phút.
Khi luộc xong, người ăn sẽ dùng tay vặn để tách phần móng vuốt và phần ống để ăn phần thịt bên trong, chấm trong nước sốt tỏi trứng hoặc bơ.
Vào các nhà hàng ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, chúng có thể được bán với giá 115 USD/đĩa (~2,67 triệu đồng/đĩa).
Theo Nghi Dung
Dân Việt