Bạn bè, người thân bắt đầu quen với hình ảnh bán mắm tôm, đậu phộng (lạc)... của chị Nguyễn Ngọc Lê, trưởng phòng thu ngân một công ty vận tải ở TPHCM. Đầu mùa dịch, khi hoạt động của công ty bị ảnh hưởng mạnh do nhu cầu đi lại giảm chị đã "ôm thêm" công việc này.
Quê chị ở Nghệ An, có các loại thực phẩm như mắm tôm, mắm tép, đậu phộng, măng khô... rất đặc trưng. Trước chị cũng đã ấp ủ kinh doanh các sản phẩm quê nhưng không có thời gian, lúc này quá thuận lợi khi chị cần việc, cần tiền mà người dùng cần thực phẩm.
Đợt đầu, mẹ chị chuyển vào 50kg đậu phộng hạt, 100 chai mắm tôm, 30kg măng khô, chị rao bán trong chung cư là... không kịp bán. Giờ nhà chị dành hẳn một phòng chất đầy đồ quê, bán lai rai trong đợt công ty cho nghỉ hoàn toàn đến giữa tháng 4. Công ty giảm lương 50% nhưng nhờ bán mắm cà, tổng thu nhập lên gần gấp đôi.
"Những ngày nghỉ mà không có nguồn thu sẽ rất khó khăn. Chị giám đốc kinh doanh ở công ty tôi cũng bán thịt cá, các loại bột làm bánh, còn khoe vui hơn làm giám đốc", chị Lê kể.
Trước tác động của dịch bệnh, hàng loạt dịch vụ tạm "khóa sổ" nhưng nắm bắt nhu cầu về ăn uống, thực phẩm lại tăng mạnh nên rất nhiều người, trong đó có cả những giám đốc, bà chủ... chuyển qua bán dưa cà, mắm muối, hải sản, trái cây.
Nhiều quản lý, giám đốc, bà chủ chuyển qua đi bán thực phẩm khô, hải sản
Trong các bài giới thiệu hàng hóa của các giám đốc, ông bà chủ, rất có rất nhiều bình luận: Nay ông chủ đi bán cá, bà giám đốc mà bán dưa cà thì đắt hàng phải biết...
Trường học là nơi ảnh hưởng nhất khi học sinh được nghỉ học ngay từ đầu dịch. Khi trường đóng cửa, anh N.N.Đ, chủ hệ thống trường mầm non tư thục TPHCM cho biết, cá nhân anh và trường không còn bất cứ một nguồn thu nào, trong khi vẫn nhiều thứ phải chi như mặt bằng, lương giáo viên.
Em gái anh Đ có một vựa hải sản lớn, có sẵn nguồn hàng, rủ anh thử bán. Lúc đầu anh lắc đầu nguầy nguậy bảo ngại, biết gì mà bán.
Chủ một hệ thống trường mầm non tư thục rao bán tôm cua, hải sản
Sau anh rao thử cho vui "Ông chủ đi bán cá có ai ủng hộ không nào?", không ngờ tiềm năng thật, người đặt ào ào làm anh háo hức, hưng phấn. Anh nhập cuộc, từ ông chủ trường thành chủ bán cá, làm quen với nghề như rao, chốt đơn, ship hàng... Có ngày, anh bán được cả trăm kg cá tôm cua các loại, bỏ túi vài triệu đồng.
Chưa kể, anh còn kết nối với nhiều giáo viên trong trường để họ lấy hàng từ vựa nhà mình đi bán trong đợt nghỉ dịch để tất cả cùng chủ động kiếm thu nhập, giảm ảnh hưởng của dịch bệnh đến mức tối đa.
Một số cô giáo "mát tay", bán được nhiều. Ngoài hải sản họ bán thêm các mặt hàng thực phẩm khác, thu nhập gấp mấy lần lương đi dạy. Anh Đ. lo, sau mùa dịch mình mất nhân sự.
Trong khi đó, chị Trần Ngọc Anh, quản lý một khách sạn nhỏ ở Q.1, TPHCM làm thêm nghề... bán dưa, cà. Khách sạn đợt rồi toàn trống phòng, thu nhập giảm và buồn nhất là không có việc để làm. Chị nhận thấy, mọi nhu cầu của các gia đình lúc "ở yên một chỗ" gói gọn quanh việc ăn uống.
Chị Anh có khả năng muối dưa cà, kim chi rất đặc biệt, thường hay muối dùng với biết anh em họ hàng. Đợt rảnh, chị làm cầu kỳ hơn, đăng khoe, không ngờ rất nhiều người vào đặt hàng. Chị... làm tới, đi bán dưa cà.
Chị cho biết, tính chị cẩn thận, đảm bảo sạch, công thức đặc biệt, công sức đổ ra rất nhiều.... nên xác định giá bán không rẻ. Thế nhưng, đơn hàng vẫn đến dồn dập. Bố mẹ, chồng con được huy động cùng hỗ trợ nhưng vẫn làm không xuể. Riêng cà muối thôi, đã có cả chục loại như cà muối héo, cà muối xổi, muối mặn, trộn mắm...
Chị cho biết, thu nhập từ nghề mới hiện tại đã cao hơn nhiều so với lương quản lý của chị. Nếu chị còn có ý định đầu tư phát triển, có thể chị sẽ nghỉ việc mình đã gắn bó hơn 10 năm qua. Chị mê muối dưa cà từ bé, và đây là lúc nghiêm túc nghĩ đến việc khởi nghiệp từ sở thích, năng lực của mình.
Chị Anh cũng xác định, nghề nào cũng có cái cực, bắt tay vào mới biết, không "ngon lành" như mình hình dung, làm ra, bán, ngồi thu tiền. Đặc biệt là bán thực phẩm, đồ ăn rất phức tạp, tiêu chuẩn người dùng ngày càng cao. Mới bán đây, cũng có khi gặp sự cố, khách phản hồi... là chị thấy nặng lòng cả ngày.
Hoài Nam