Fica
  1. Đời Sống

TPHCM tăng giãn cách, người ở khu phong tỏa chỉ đi chợ 2 lần/tuần

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Theo Chỉ thị mới, người dân trong khu phong tỏa chỉ đi chợ 2 lần/tuần bằng phiếu, các khu nhà trong hẻm, đông người phải được giãn dân, các chốt kiểm soát chỉ giải quyết một số trường hợp nhất định.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên vừa ký ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường một số biện pháp nhằm thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Chỉ thị của Thành ủy TPHCM nêu rõ sau 13 ngày thành phố nỗ lực quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành Trung ương, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, số ca nhiễm hàng ngày tăng ở mức cao, đặc biệt trong khu cách ly, phong tỏa.

Ngoài ra, số ca đang điều trị, ca nặng, ca tử vong ngày càng tăng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng, chống dịch đã quá tải...

TPHCM tăng giãn cách, người ở khu phong tỏa chỉ đi chợ 2 lần/tuần - 1

Người dân trong khu phong tỏa chỉ được đi chợ 2 lần/tuần theo Chỉ thị mới của TPHCM.

Trước bối cảnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM chỉ đạo tăng cường một số biện pháp quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn. Mục tiêu tăng cường biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiếm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao.

Các biện pháp cụ thể của Chỉ thị 12 gồm tập trung tuyên truyền sâu rộng tới người dân thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch. Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình; thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định cách ly, phong tỏa.

Theo đó, các khu phong tỏa thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình", không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị do chính quyền địa phương cấp). Đối với một số khu vực có nguy cơ rất cao thì từng hộ dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà.

Trong các khu cách ly, người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường họp cấp cứu y tế).

Các gia đình có ca F0, F1 áp dụng cách ly tại nhà thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế); lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà.

Các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao cần thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách giữa cá nhân với cá nhân.

Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, các nhóm đối tượng được duy trì hoạt động sẽ được thu hẹp. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.

Các hoạt động ngân hàng, chứng khoán đảm bảo hoạt động ở mức độ duy trì công suất nhằm cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết. Đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, nhân sự có thể bố trí luân phiên, theo ca, kíp để thực hiện giãn cách.

Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu chỉ doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược, lương thực, thực phẩm, suất ăn cho bệnh viện, khu cách ly, điều trị, cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, kho bạc, tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và đảm bảo an toàn.

TPHCM tăng giãn cách, người ở khu phong tỏa chỉ đi chợ 2 lần/tuần - 2

Các chốt, trạm kiểm dịch tại cửa ngõ ra vào chỉ giải quyết cho xe công vụ và một số trường hợp nhất định.

Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được hoạt động với điều kiện đảm bảo an toàn, tuân thủ nguyên tắc "3 tại chỗ" và "một cung đường, 2 điểm đến". Cơ quan chức năng kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm trường hợp hoạt động không đảm bảo các yêu cầu công tác phòng dịch.

Các chợ truyền thống chỉ được hoạt động theo mô hình mới, có quy định nghiêm và kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo giãn cách, thoáng, có màng ngăn giữa người mua và bán. Trong thời gian này, cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và giảm quy mô còn khoảng 30%; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác.

Cơ quan Nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan. Gương mẫu, chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, chỉ ra đường trong trường hợp có việc cấp thiết.

Đối với các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố (12 chốt, trạm cấp thành phố và các chốt, trạm cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức) chỉ giải quyết cho xe công vụ, các loại phương tiện vận tải hàng hóa có mã QR nhận diện được phép vận chuyển, vận tải vào thành phố hoặc lưu thông qua thành phố, các xe cá nhân của cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân thành phố về quê theo kế hoạch.

Quang Huy