Thu nhập về "mo" khi lương tháng đang hàng trăm triệu
Theo báo cáo của một số hãng hàng không tại Việt Nam, số chuyến bay quốc tế, trong nước bị cắt giảm mạnh trong thời gian xảy ra đại dịch, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều lao động trong ngành này trở nên khốn khó.
Trong báo cáo đại hội cổ đông tháng 7/2021, Vietnam Airlines thông tin việc điều chỉnh công tác lao động tiền lương, trong đó đã linh hoạt điều hành nguồn lực và các chính sách tiền lương nhân sự để người lao động và Tổng công ty cùng chia sẻ khó khăn trong từng giai đoạn diễn biến của dịch.
Giải pháp của hãng hàng không này là điều chỉnh giảm ngày công làm việc trong tháng, tạm hoãn hợp đồng lao động, làm việc thời vụ phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn lực và tình hình ảnh hưởng của dịch.
Lương phi công, tiếp viên giảm mạnh, nhiều phi công nước ngoài về nước do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hãng này đã tạm dừng toàn bộ lực lượng phi công nước ngoài giai đoạn tháng 4 đến tháng 7, sử dụng nhân viên chi nhánh địa phương nước ngoài mức tối thiểu.
Theo Vietnam Airlines, việc điều hành nguồn lực linh hoạt, lao động sử dụng bình quân 2021 bằng 92% so với kế hoạch, quỹ tiền lương cắt giảm 49% so với năm 2020.
Việc cắt giảm quỹ tiền lương 49% của Vietnam Airlines tác động trực tiếp đến lương của phi công, tiếp viên hàng không và tiếp viên mặt đất của hãng bay.
Thực tế, lương lao động trong ngành hàng không có lẽ giảm mạnh nhất ở đội ngũ phi công, tiếp viên hàng không và chuyên viên mặt đất. Nhiều phi công người nước ngoài của các hãng bay tại Việt Nam đã về nước do thời gian dài không được bay hoặc nghỉ giãn cách. Hiện tượng tiếp viên hàng không tranh thủ thời gian rảnh bán hàng online như mỹ phẩm, chạy Grabcar là không hiếm.
Việc giảm, thậm chí dừng khai thác tuyến bay quốc tế, nội địa do dịch ảnh hưởng lớn đến các hãng bay và thu nhập của tiếp viên hàng không.
Hai năm dịch bệnh, ngành du lịch khủng hoảng nhân sự
Nếu như nhân viên hàng không vẫn gắng gượng được nhờ làm việc bán thời gian hoặc kinh doanh tay trái, thì các hướng dẫn viên du lịch, quản lý tour, nhà hàng, khách sạn hay DJ (Disc Jockey) tại các quán bar bị ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều.
Anh Vũ Anh Quốc, từng là quản lý tour của hãng du lịch tại Việt Nam liên kết với Trung Quốc. Gần 2 năm nay, công việc đã "đóng băng", anh phải chuyển nghề tay trái là dạy online tiếng Trung kiếm tiền nuôi gia đình, tạm gác công việc ưa thích hàng ngày.
Hai năm qua, khách quốc tế không sang được Việt Nam, khiến cho hướng dẫn viên du lịch rơi vào cảnh thất nghiệp, mất việc.
"Mức lương quản lý tour và hướng dẫn viên có thâm niên khoảng 30-40 triệu đồng/tháng, nhưng khi nghỉ dịch, chỉ được hưởng lương cơ bản do không có khách. Hầu hết các hãng lữ hành chỉ giữ chân nhân sự chủ chốt, các nhân viên hợp đồng đều bị cắt giảm, nhiều người phải nghỉ không lương, phải chuyển nghề khác kiếm sống qua ngày", anh Quốc nói.
Giống như anh Quốc, những quản lý nhà hàng, khách sạn tại các thành phố lớn, trung tâm du lịch, lữ hành cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng hết sức trầm trọng. Năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế giảm 79,5%, khách nội địa giảm 34%, tổng thu du lịch giảm 58,7%; gần 60% lao động mất việc làm hoặc cắt giảm lao động, công suất buồng phòng các khách sạn chỉ đạt 10-15%; gần 90% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lao động trong một số ngành dịch vụ như lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19.
DJ tại quán bar tại các thành phố lớn không thể sống được với nghề do dịch bệnh bùng phát. Giãn cách xã hội, các loại hình vui chơi này bị tạm ngừng dài hạn.
"Một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động; các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất", báo cáo về tình hình lao động 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho biết.
Mới đây, tại diễn đàn "Tác động đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch" tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 31,2 triệu lượt khách và tổng thu từ khách du lịch giảm 37% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đó, 95% cơ sở lưu trú chỉ hoạt động cầm chừng, 80% lao động trong lĩnh vực du lịch phải tạm nghỉ việc hay chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi ngành du lịch khôi phục trở lại.
An Linh