Mức sinh của phụ nữ thuộc nhóm giàu nhất trung bình chỉ 2 con/người, phụ nữ thuộc nhóm nghèo nhất có mức sinh 2,4 con/người.
Phụ nữ giàu có mức sinh thấp hoặc ngày càng không muốn sinh thêm (ảnh minh họa)
Đặc biệt, trong báo cáo của đợt tổng điều tra nói trên, tỷ lệ sinh có liên quan mật thiết đến trình độ nhận thức. Cụ thể, phụ nữ có trình độ đại học có tỷ suất sinh thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), tiếp đến là phụ nữ có trình độ cao đẳng (1,91 con/phụ nữ).
Phụ nữ chưa bao giờ đi học có tỷ suất sinh khá cao (2,59 con/phụ nữ) và phụ nữ có trình độ sơ cấp có tỷ suất sinh cao nhất (3,71 con/phụ nữ).
Phụ nữ khu vực thành thị có mức sinh thấp chỉ 1,83 con/người, trong khi đó khu vực nông thôn là 2,26 con/người. Tỷ lệ sinh của các khu vực cũng có sự phân hóa rõ, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế địa phương.
Cụ thể, Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao. Trong khi đó, hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam ở mức tương đối, năm 2018 có 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái.
Tổng cục Thống kê khẳng định, sự gia tăng bất thường về chênh lệch giới tính sinh của Việt Nam trong những năm gần đây đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập chính sách.
"Những cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh và sự quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi mang thai ở Việt Nam trong thời gian qua chưa đem lại hiệu quả; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được khắc phục", báo cáo Tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê nêu.
An Linh