Trước đây, đa số người ăn chay vì tín ngưỡng, tôn giáo. Gần đây, có nhiều người tiêu dùng muốn loại bỏ sản phẩm động vật ra khỏi thực đơn với lý do bảo vệ môi trường (ngành chăn nuôi là một trong những hoạt động gây ô nhiễm lớn), vì sức khỏe (giảm nguy cơ lây bệnh từ động vật) hay nhân đạo (không sát sinh)… đã chuyển sang các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Đây được xem là xu hướng tiêu dùng lành mạnh của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước phát triển. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể từ bỏ thói quen ăn thịt động vật bình thường để chuyển hẳn sang ăn rau củ quả nên mới cần có bước đệm là dùng thịt "giả" thay thế.
Ở Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, tốt cho sức khỏe cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, theo một số đơn vị kinh doanh, hiện ngành đồ ăn chay của Việt Nam tồn tại nhiều cơ sở nhỏ sản xuất theo dạng "nhà làm", ít quan tâm đầu tư hệ thống quản lý chất lượng, không am hiểu về công nghệ bảo quản nhưng lại bán với số lượng lớn ra thị trường.
Thịt bò xay chay của Mỹ bán tại TP.HCM.
"Nhiều người không xài hóa chất bảo quản vì sức khỏe người tiêu dùng nhưng khi không có công nghệ bảo quản khác thay thế nên sản phẩm dễ bị hư hỏng, thậm chí nhiễm độc. Các vụ ngộ độc patê chay gần đây có thể xuất phát từ nguyên nhân trên. Với patê là thực phẩm rất dễ nhiễm vi sinh, dễ hư hỏng nên các nhà sản xuất thường đóng hộp nhỏ, khi đóng hộp lớn, nguy cơ nhiễm độc rất lớn" - đại diện một cửa hàng thuần chay phân tích.
Điều này lý giải vì sao sản phẩm chay nhập khẩu xuất hiện ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng có thu nhập vừa và cao.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây, Beyond Meat - một thương hiệu thịt thực vật nổi tiếng của Mỹ sau khi nhận được đầu tư của tỉ phú Bill Gates - cũng đã chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam với giá cao hơn thịt thật. Theo đó, trên sàn thương mại điện tử Tiki, thịt bò xay chay Beyond Meat có giá 688.000 đồng/khay 453g, tương đương hơn 1,5 triệu đồng/kg; xúc xích Beyond Meat có giá 627.000 đồng/400 g; Burger Beyond Meat có giá 417.000 đồng/hộp 227 g.
Tại cửa hàng Organic Food đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP HCM), các sản phẩm Beyond Meat được đựng trong tủ kem, nếu không đọc kỹ nhãn, người tiêu dùng cứ tưởng đây là sản phẩm làm từ thịt bò thật.
Bà Đào Phương Thảo, Quản lý thu mua hệ thống cửa hàng Organic Food, cho biết các sản phẩm Beyond Meat được nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam khoảng 3 tháng nay và nhanh chóng trở thành nhóm hàng bán chạy nhất của tiệm. "Hiện nay, ăn chay trở thành xu hướng nên những sản phẩm có thương hiệu mạnh trên thế giới rất được chuộng. Tuy nhiên, do giá bán khá cao nên khách mua chủ yếu là người nước ngoài, chỉ khoảng 20% là người Việt. Đa phần khách thử qua đều đánh giá sản phẩm có hương vị y như thịt thật" - bà Thảo nói.
Sáng 26/3, tại Organic Town Nguyễn Du (quận 1, TP HCM), nơi chuyên trưng bày các sản phẩm xanh - sạch, một doanh nghiệp đã giới thiệu thêm một số sản phẩm "thịt thực vật" đến người tiêu dùng Việt như: giò, burger... được chiết xuất từ đạm đậu nành và đạm đậu hòa lan nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc).
Theo bà Hồ Thanh Nhiên, sáng lập Công ty Bewina (đơn vị nhập khẩu), nhu cầu dùng thực phẩm chay của người Việt rất lớn nhưng các sản phẩm trong nước chưa có thương hiệu mạnh, trong khi ngành công nghiệp đồ chay trên thế giới đã rất phát triển.
Do đó, công ty của bà quyết định nhập các sản phẩm này về để thăm dò thị trường, sau đó sẽ tính đến việc phát triển các sản phẩm thịt thực vật tại Việt Nam. "Chúng tôi chỉ nhập khẩu sản phẩm từ các nhà máy chuyên đồ chay lâu đời trên thế giới với đầy đủ chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng" - bà Nhiên nhấn mạnh.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng ngành nông sản Việt Nam đang có cơ hội lớn khi xu hướng ăn chay nổi lên.
"Nhiều đại gia trên thế giới, trong đó có tỉ phú Bill Gates, cũng đầu tư vào ngành thịt nhân tạo gồm thịt từ thực vật hoặc thịt tạo ra từ nuôi cấy tế bào động vật trong phòng thí nghiệm. Các hệ thống thức ăn nhanh như KFC, McDonald's cũng có quầy dành cho người ăn chay đã chứng minh điều này. Triển vọng chính là vùng nguyên liệu từ trồng trọt hữu cơ của Việt Nam rất lớn, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành hàng mới nổi này. Đơn cử như người ta có thể dùng mít non thay cho thịt trong một số món ăn, nếu phát triển được sản phẩm này, chúng ta không phải lo "giải cứu" mít nữa" - bà Hạnh dẫn chứng.
Theo Ngọc Ánh
Người Lao Động