Fica
  1. Đời Sống

Sức khỏe người Việt bị “ăn mòn” vì uống hơn 3 tỷ lít bia rượu muỗi năm

Tại Việt Nam, tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng “phi mã” qua các năm. Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra gánh nặng bệnh không lây nhiễm mà Việt Nam đang phải đối mặt, với 79 nghìn ca tử vong liên quan đến bia rượu mỗi năm.

79 nghìn ca tử vong mỗi năm liên quan đến bia rượu

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ rượu bia của người dân Việt Nam đứng ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. WHO ước tính trung bình một người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên uống 8,3 lít cồn nguyên chất (lượng rượu bia quy đổi) năm 2016.

Sức khỏe người Việt bị “ăn mòn” vì uống hơn 3 tỷ lít bia rượu muỗi năm - Ảnh 1.

Người Việt uống bia rượu ngày càng gia tăng.

WHO đánh giá, với lượng tiêu thụ rượu bia như trên, rượu bia chịu trách nhiệm cho khoảng 79.000 trường hợp tử vong tại Việt Nam năm 2016. Ngoài ra, còn hàng trăm ngàn người khác phải điều trị những bệnh do sử dụng rượu bia gây nên. WHO ước tính hậu quả về mặt xã hội do sử dụng rượu bia gây ra tại Việt Nam là khoảng 1,3% đến 3,3% tổng thu nhập trong nước (GDP).

Không chỉ dễ tiếp cận nhất thế giới, rượu bia tại Việt Nam còn có những gánh nặng lớn về bệnh tật và thiệt hại kinh tế.

ThS Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Health Bridge Canada tại Việt Nam thông tin, tổng chi phí trực tiếp của sáu bệnh ung thư (do rượu bia là yếu tố cấu thành chính) là gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP (năm 2012). Chi phí y tế trực tiếp chưa kể đến chi phí nuôi dưỡng và chăm sóc bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần do rượu là 500.000 - 1 triệu đồng/ngày, gây gánh nặng kinh tế rất lớn cho gia đình và xã hội.

Không những nhiều người uống, tỷ lệ người Việt uống nhiều, uống bia rượu ở mức nguy hại cũng rất cao. Điều tra của Bộ Y tế cho thấy, 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa (44%) uống ở mức nguy hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên). Con số này với nữ là 1,2%. .

Theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trước đây các nghiên cứu cho rằng uống rượu chỉ gây ung thư gan, nhưng nay, rượu bia tác động đến 5 - 7 cơ quan trong cơ thể, gây ra các bệnh ung thư như: Khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.

TS Nguyễn Thanh Hương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư (Bệnh viện K) chia sẻ, rượu khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde – một chất gây ung thư sẽ gây tổn thương DNA ở các tế bào niêm mạc miệng, họng, thực quản và đường hô hấp trên.

Rượu làm tăng mức độ hormone estrogen, kích hoạt sự sinh sôi của tế bào tuyến vú dẫn tới ung thư vú. Rượu sẽ gây xơ gan, dẫn đến ung thư gan: do gây xơ gan, tổn thương tế bào gan, từ đó dẫn tới ung thư gan.

Rượu làm giảm lượng folate trong máu, gây trở ngại cho quá trình methyl hóa DNA, từ đó dẫn tới ung thư. Bên cạnh đó, rượu kích thích cơ thể sinh ra các phân tử hoạt tính cao mà các phân tử này thường gây tổn hại DNA của tế bào dẫn tới ung thư.

Việt Nam đặt mục tiêu giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu bia

Trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 đã được lãnh đạo của 154 quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) thông qua trong Kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc, Việt Nam cam kết đặt mục tiêu giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030; Mục tiêu giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030.

Sức khỏe người Việt bị “ăn mòn” vì uống hơn 3 tỷ lít bia rượu muỗi năm - Ảnh 2.

Khám sàng lọc tiểu đường, tăng huyết áp cho bệnh nhân.

Ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1092/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam nhằm kết nối và thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về bảo vệ, nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam, gắn với phát triển y tế cơ sở, phòng chống các yếu tố nguy cơ và dự phòng bệnh không lây nhiễm. Trong đó, phòng chống tác hại của rượu, bia là một trong 11 nội dung ưu tiên giai đoạn 2018-2030. Chương trình đặt mục tiêu giảm tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại ở nam giới trưởng thành từ 39% (năm 2025) xuống 35% (năm 2030).

Các chuyên gia cho rằng để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để can thiệp nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó, cần sớm ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia, cùng với các chính sách kiểm soát quảng cáo khuyến mại, giờ bán và điểm bán và phòng chống tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia.

Để phòng chống tác hại của rượu bia, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế khuyến cáo) người dân không nên lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác. Nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới. Trẻ em dưới 18 tuổi không uống rượu bia. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống.

Như vậy: 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Hồng Hải