Fica
  1. Đời Sống

Sóc Trăng: Nhãn trái to, dày cơm, xuống giá vẫn khó bán vì dịch Covid-19

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Đang vào mùa thu hoạch nhưng việc tiêu thụ nhãn ở Sóc Trăng gặp khó vì không có thương lái thu mua, giá lại giảm.

Tỉnh Sóc Trăng có diện tích trồng nhãn trên 3.100 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Trong đó, diện tích nhãn đang cho trái là khoảng 2.500 ha. Dự kiến, tổng sản lượng nhãn của tỉnh sẽ đạt trên 25.600 tấn.

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ nhãn của Sóc Trăng. Nhãn đang vào vụ thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua như những năm trước. Giá bán đang giảm, từ 20.000 đồng/kg xuống còn 10.000  - 15.000 đồng/kg so với năm trước.

Sóc Trăng: Nhãn trái to, dày cơm, xuống giá vẫn khó bán vì dịch Covid-19 - 1

Sóc Trăng là một trong những địa phương nổi tiếng với loại nhãn xuồng.

Ông Mã Chí Thọ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), cho biết, người dân ở thị xã Vĩnh Châu đang bước vào thu hoạch nhãn xuồng, loại nhãn đặc sản nổi tiếng của Vĩnh Châu với trái to, dày cơm, ngọt.

Diện tích nhãn xuồng hiện tại là trên 281 ha, năng suất ước đạt 15 tấn/ha. Những năm trước, vào vụ thu hoạch, thương lái đến chờ tại vườn để thu mua.

"Có năm họ mua với giá từ 35.000 đến 37.000 đồng/kg, còn mang ra chợ thị xã bán với giá 45.000 đồng/kg, mang lên thành phố Sóc Trăng còn cao hơn. Nhưng hiện nay giá nhãn chỉ từ 10.000 đến  20.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán nên thị xã đang tìm giải pháp để sớm có hướng tiêu thụ cho nhà vườn", ông Thọ cho hay.

Được biết, ở Sóc Trăng trồng nhiều loại nhãn như nhãn xuồng, thanh nhãn, nhãn Idor, nhãn da bò... Trong đó, vụ thu hoạch của nhãn xuồng là vào tháng 7, tháng 8; của thanh nhãn tháng 8, tháng 9; nhãn Idor tháng 10, tháng 11; nhãn da bò tháng 7 đến tháng 12.

Sóc Trăng: Nhãn trái to, dày cơm, xuống giá vẫn khó bán vì dịch Covid-19 - 2

Nhãn xuống giá, người dân cũng gặp khó khăn.

Ông Mã Chí Thọ cho biết, nhãn trái tươi không để được lâu nhưng hiện nay việc vận chuyển gặp khó khăn vì phải qua nhiều chốt kiểm tra kiểm soát nên thời gian vận chuyển lâu hơn. Trước đây, hàng vận chuyển từ Vĩnh Châu đi TPHCM chỉ mấy tiếng đồng hồ, còn bây giờ có khi mất cả ngày, lên đến nơi trái nhãn không còn tươi ngon.

Trước thực trạng đó, các đơn vị như Sở Công Thương, Bưu điện tỉnh, Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố đã đề xuất đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ nhãn trong thời gian tới với nhiều hình thức như đưa sản phẩm nhãn lên sàn thương mại điện tử, thông tin tình hình thu hoạch đến các tỉnh, thành lân cận, các cơ quan, đơn vị, các siêu thị tại tỉnh để chung tay hỗ trợ một phần sản lượng nhãn sắp thu hoạch; tạo điều kiện thuận lợi, nhất là trong khâu vận chuyển để các vựa thu mua và vận chuyển tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận...

Cao Xuân Lương