Các hiệp hội đề xuất bổ sung các mặt hàng thực phẩm kể cả đồ uống, sữa.. là các mặt hàng thiết yếu (Ảnh minh họa).
Theo Bộ Công Thương, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về các biện pháp cấp bách phòng chống Covid-19, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo chỉ đạo. Tuy nhiên, một số nội dung của chỉ thị, nhất là khái niệm hàng hóa thiết yếu, còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu.
Trên cơ sở kiến nghị của một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, Bộ đề nghị sở Công Thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh, cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu.
Cụ thể, nhóm thực phẩm (bao gồm các mặt hàng theo danh mục phụ lục II, phục lục III và mục 3, 4, 5, 6, 7, 8 phụ lục IV ban hành kèm nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm, cụ thể tại phụ lục đính kèm).
Nhóm thứ hai là hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất (bao gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...).
Thứ ba là nhóm nhiên liệu, năng lượng (như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than...). Và các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.
Cùng ngày, để xử lý vấn đề cũng như thống nhất về cách hiểu và áp dụng giữa các địa phương, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Thủ tướng cho phép lưu thông tất cả hàng hóa như trong điều kiện bình thường nếu bảo đảm phòng, chống Covid-19, trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định.
Cụ thể, thay vì quy định danh mục hàng hóa thiết yếu, Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Trước đó, tại nhiều địa phương có hiện tượng doanh nghiệp phải "quay xe" vì lý do như tiền không phải hàng hóa thiết yếu hoặc sữa không phải đồ thiết yếu...
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, một trong những vấn đề nổi cộm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.
Các hiệp hội doanh nghiệp dẫn chứng như việc đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng, trong khi đó đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2-3 tháng. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hóa không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.
Tuy nhiên, trong danh mục hàng hóa thiết yếu kèm theo Công văn 4481 của Bộ Công Thương ngày 27/7 thì nước uống đóng chai, nước giải khát, sữa tươi nguyên liệu, sữa chế biến, sữa bột... đều đã xuất hiện.
Danh mục kèm theo Công văn 4481 về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của Bộ Công Thương như sau:
Nguyễn Khánh