Sanh cổ “Ngũ long tranh châu” mua từ năm 1996 với giá 100 cây vàng
Ông Nguyễn Anh Tuấn trú tại Thị trấn Lập Thạch (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) được biết đến là một người kinh doanh, buôn bán vàng nổi tiếng nên người dân hay gọi là “Tuấn vàng”. Tuy nhiên, ngoài niềm đam mê với vàng, ông còn đam mê cây cảnh nghệ thuật từ rất lâu.
Năm 1996, ông Tuấn bắt đầu xây dựng một khu vườn cây cảnh nghệ thuật, ông đi khắp đất nước tìm những cây sanh cổ. Tuy nhiên, cuối cùng ông lại chọn những cây sanh cổ có nguồn gốc từ Huế.
“Những cây sanh có nguồn gốc từ Huế đều rất già, chúng thuộc những gia đình quý tộc hay có địa vị trong xã hội nên có nguồn gốc rõ ràng”, vị đại gia cho biết.
Một trong những cây sanh quê đầu tiên ông mua từ Huế là tác phẩm có tên “Ngũ long tranh châu”. Thời điểm ông mua cây sanh này là năm 1996 với giá 400 triệu đồng.
“Tôi kinh doanh vàng nên nhớ, thời điểm đó giá vàng có 500.000 đồng/chỉ, 400 triệu đồng là 100 cây vàng. Nếu 400 triệu đồng thời đó tôi mua đất, khoảng 10 lô đất thì giá 10 lô đất bây giờ khoảng 50 tỷ đồng”, ông Tuấn nói.
Vị đại gia cũng chia sẻ, mình mua cây để chơi vì thú vui, để dưỡng tâm chứ không tính toán kiểu đó được. Hiện tại, cây cũng có giá vài tỷ đồng nhưng tôi không bán, rất nhiều anh em, bạn bè chơi cây khắp đất nước đến hỏi mua nhưng tôi không bán.
“Nếu bán cây thì có tiền tỷ nhưng bán đi rồi thấy rất tiếc vì nó gắn bó với mình nhiều năm. Nếu bán đi, những lúc làm vườn không thấy cây sẽ rất nhớ nên tôi không bán”, ông Tuấn tâm sự.
Tác phẩm sanh cổ có tên “Ngũ long tranh châu” có tuổi đời trên 100 năm. Cây có 5 ngọn, thân gồm nhiều rễ kết lại với nhau như một bức tường thành. Thân, rễ nhiều chỗ đã nổi địa y (mốc trắng), tay cành đã hoàn thiện, bông tán rất mịn…
Cùng chiêm ngưỡng tác phẩm "Ngũ long tranh châu" của đại gia vàng Nguyễn Anh Tuấn.
Tác phẩm sanh cổ “Ngũ long tranh châu” của ông Nguyễn Anh Tuấn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) được mua từ Huế năm 1996 với giá 400 triệu đồng
Cây sanh cổ cao khoảng hơn 2m, đường kính bệ rễ gần 1m
Cây được ký trên đá nhiều năm, màu của bệ rễ đã hòa cùng màu đá
Những rễ phụ buông xuống cũng nổi địa y (mốc trắng)
Năm cành lớn tỏa ra các hướng, các bông tán được làm theo lối cổ của các nghệ nhân xưa
Đặc biệt, thay vì những vết cắt giật, dăm chi, nghệ nhân đã dùng các kỹ thuật, thủ pháp bẻ giật đầu cành, tạo ra độ mềm dẻo, những cành treo rất nghệ thuật
Đối với dòng cây sanh của người Việt là “Thạch thụ tương sinh” tức là phải đi với đá để tạo sự trường tồn, bền vững và làm cho cây thêm phần rắn rỏi
Thân cây như một bức tường thành vững chãi trước phong ba bão táp
Tú Quyên