Vườn cam ở xã Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đang vào độ chín, chuẩn bị cho thu hoạch. Những cây cam quả trĩu cành, màu vàng ươm đầy thu hút đưa lại thu nhập cao, ước tính đạt doanh thu cả xã lên đến 100 tỷ/năm.
Trồng cam từ lâu đã trở thành nghề truyền thống của người dân Hà Tĩnh, là thứ quả đặc sản thu hút người mua vào các ngày lễ Tết.
Ở Hà Tĩnh, cam được trồng chủ yếu tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc,... với hàng trăm hecta đưa lại thu nhập cao cho bà con.
Những vườn cam trĩu quả đang vào mùa thu hoạch ở Thượng Lộc. Cây già nhất có độ tuổi khoảng 12 năm
Ông Nguyễn Viết Chuân, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết, cam được trồng chủ yếu ở các thôn Anh Hùng, Sơn Bình, Nam Phong, Đông Phong… với nhiều loại cam như cam bù, cam chanh, cam giòn.
Toàn xã Thượng Lộc có tới 600 hộ trồng cam, trên diện tích 230 hecta, trong đó đã có có hơn 150 hecta đã cho thu hoạch.
Theo ông Chuân, ước tính sản lượng cam của xã Thượng Lộc sẽ đạt gần 2.200 tấn, cho giá trị kinh tế ước đạt gần 100 tỷ đồng.
Chị Phan Thị Hiền, (47 tuổi, trú thôn Anh Hùng), chủ nhân của vườn cam được được đánh giá có năng suất và chất lượng nhất vùng.
Cây cam được đánh giá là loài cây “khó tính”, để đảm bảo độ sạch, chủ nhân áp dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, dùng miếng dính sâu bọ.
Cam đã chín mọng, căng tròn đón nắng xuân
Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật nên cây cam nào cũng trĩu quả, chủ nhân phải dùng dây chằng tránh gãy cành
Gia đình chị Hiền vườn cam rộng gần 4 hecta, có 1.250 gốc, trong đó hơn 320 gốc đang cho thu hoạch, đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm.
Những quả cam chín vàng chờ đến tay người tiêu dùng
“Những hộ trồng cam đang gặp khó khăn nhất là đầu ra. Hiện các hộ xuất ra địa bàn nhỏ lẻ, nên gặp bấp bênh trong giá cả”, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc thông tin.
Nhiều hộ đã bắt đầu thử nghiệm và trồng thâm canh mô hình theo tiêu chuẩn Vietgap.
Theo Thiện Lương
VietnamNet