Fica
  1. Đời Sống

Nuôi con ăn hè, ngủ đông, ông nông dân sắm xe hơi, xây nhà lầu

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Nhờ nuôi con ăn hè, ngủ đông này, gia đình ông Tuân không chỉ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà còn xây nhà cửa khang trang, sắm xe ô tô.

Đến nay, ông Nguyễn Văn Tuân (xóm Cà Phê, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã gắn bó với nghề nuôi ba ba gần 30 năm. Nhờ nuôi con ăn hè, ngủ đông này, gia đình ông Tuân không chỉ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà còn xây nhà cửa khang trang, sắm xe ô tô.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tuân cho biết, ông đã gắn bó gần 30 năm với nghề nuôi ba ba. Để có được thành công như ngày hôm nay là cả quá trình dài vất vả.

Trước đây, gia đình ông rất khó khăn, thậm chí có thời gian, ông lên rừng làm "phu vàng" mong có thể đổi đời. Nhưng ảo vọng chỉ là ảo vọng, ông quyết định bỏ rừng về nhà làm kinh tế với mô hình nuôi ba ba.

Nuôi con ăn hè, ngủ đông, ông nông dân sắm xe hơi, xây nhà lầu - 1

Ông Nguyễn Văn Tuân (xóm Cà Phê, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đổi đời với mô hình nuôi ba ba. Trong ảnh, ông Tuân đang giới thiệu về những mẻ trứng ba ba mới đẻ sẽ được ông đưa vào ấp nở thành ba ba giống để bán.

Ban đầu, ông thu gom ba ba giống do người dân đánh bắt từ các công, suối để bán đi Trung Quốc. Sau này khi nguồn ba ba tự nhiên ở các sông, suối đã cạn kiệt, ông nghĩ đến cách gây giống ba ba. 

Vào những năm 90 khi đó, nghề nuôi ba ba vẫn còn khá mới mẻ ở địa phương.

Ông Tuân cho biết, ban đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi ba ba nên tỷ lệ nuôi ba ba thành công rất ít. Phải qua nhiều lần rút kinh nghiệm, học hỏi, tỷ lệ gây giống ba ba thành công ngày một cao.

Đến năm 1993, ông Tuân chuyển từ nuôi ba ba trơn sang nuôi ba ba gai với diện tích 200m2 mặt nước ao của gia đình. Sau đó khoảng 3 - 4 năm, ông mua thêm đất và mở rộng quy mô chăn nuôi ba ba lên như hiện nay.

Theo ông Tuân, nuôi ba ba không khó do tỷ lệ rủi ro ít, đầu ra tương đối ổn định lại không tốn quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, thời gian nuôi ba ba tương đối dài, do đó đòi hỏi những người kiên trì mới theo đuổi được.

Thông thường, ba ba phải sau 5 năm mới bắt đầu đẻ trứng và đến lúc ba ba đẻ trứng đạt phải tới 7 năm. 

Năm thứ nhất, ba ba đẻ trứng tỷ lệ đạt rất thấp, đến năm thứ 2 tỷ lệ trứng đạt vào khoảng 50%. Và phải đến năm thứ ba, tỷ lệ trứng đạt mới ở mức tương đối.

Để nuôi ba ba gai hiệu quả, trước hết, việc lựa chọn con ba ba giống phải hết sức kỹ càng. Ba ba giống phải có ngoại hình mập, da bóng, không bị dị tật hay nhiễm bệnh.

Thức ăn chính của ba ba là cá, tép, ngoài ra nên bổ sung thêm ốc cho ba ba ăn để tăng canxi và kích thích ba ba đẻ trứng nhiều. Nên nghiền nhỏ thức ăn để tránh thức ăn dư thừa ảnh hưởng đến nguồn nước, gây bệnh cho ba ba.

Ba ba ăn nhiều vào mùa hè, nhất là vào những ngày nắng nóng. Còn thời gian từ tháng 10 âm lịch hằng năm, ba ba sẽ ngủ đông cho đến hết tháng 2 âm lịch năm sau mới ngoi lên mặt nước.

Cũng theo ông Tuân, mực nước thích hợp để nuôi ba ba trong ao trung bình từ 1,2 - 1,5m. Nên thả bèo trong ao để nguồn nước luôn sạch và giữ ấm cho ba ba vào mùa đông.

"Nên nuôi ba ba theo lứa để tránh việc ba ba tranh phần thức ăn của nhau. Ba ba cũng ít khi bị bệnh, chỉ thỉnh thoảng mắc bệnh nấm lưng do nguồn nước bị ô nhiễm do đó nên thay nước sạch thường xuyên", ông Tuân nói.

Trung bình mỗi năm, ba ba đẻ 3 lứa, mỗi lứa đẻ khoảng 10 trứng và chỉ đẻ trong vòng 3 tháng. Đến tháng 6 âm lịch hằng năm là ba ba không đẻ nữa.

Để trứng ba ba không bị vỡ, ông Tuân xây bể trên bờ rồi đổ cát cho ba ba bò lên đẻ trứng. Sau khi ba ba đẻ, toàn bộ trứng sẽ được thu gom và đưa vào thùng ấp trong điều kiện nhiệt độ khoảng 35⁰C. Sau 60 - 65 ngày, Trứng sẽ nở thành ba ba con.

Hiện tại, với hơn 1.000m2 diện tích mặt nước, ông Tuân có khoảng 100 con ba ba gai bố mẹ và 1.000 con ba ba gai thương phẩm. Khi ba ba đạt trọng lượng từ 2,5 - 3kg/con thì bắt đầu bán thịt.

Trung bình mỗi năm, gia đình ông Tuân xuất bán khoảng 500 con ba ba thương phẩm với tổng trọng lượng 1,5 - 2 tấn. Giá ba ba thịt dao động từ 450.000 - 500.000 đồng/kg, còn giá ba ba giống dao động từ 160.000 - 170.000 đồng/con. Trong đó, ba ba thịt được ông Tuân bán chủ yếu cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Hiện nay, một số hộ trong vùng cũng mua ba ba giống của gia đình ông Tuân về nuôi với quy mô lớn. Bên cạnh việc cung cấp giống, ông Tuân còn chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi ba ba cho các hộ gia đình để góp phần nhân rộng mô hình này trên địa bàn.

Nhờ nuôi ba ba, gia đình ông đổi đời, có tiền mua xe ô tô và xây dựng nhà cửa khang trang. Mỗi năm, thu nhập từ nuôi ba ba của gia đình ông Tuân từ 300 - 400 triệu đồng.

Theo Hà Thành - Kiều Hải
Dân Việt