Đi làm sống kham khổ hơn thời sinh viên
Hơn 5 năm nay, Ngọc Châu (tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu), 29 tuổi, nhân viên văn phòng làm việc tại một doanh nghiệp ở Phú Nhuận, TP.HCM cắt hết mọi nhu cầu cơ bản trong cuộc sống để dành tiền mua vàng.
Để dành tiền, cô gái xin quần áo cũ, không đi cà phê, không ăn ngoài.
Từ lúc mới ra trường đi làm, với mức lương khởi điểm 7 triệu đồng/tháng, Châu đã sớm đặt mục tiêu mỗi tháng để dành 1 chỉ vàng. Đúng ngày nhận lương là Châu ra tiệm vàng ngay, số dư còn lại lúc đó tầm 3 triệu đồng dùng để chi tiêu tất tần mọi thứ từ tiền nhà trọ, ăn uống, đi lại...
Hiện tại, mức lương của Châu là 11 triệu đồng/tháng, cô vẫn duy trì "cách thức vận hành" đồng tiền như trên. Mua vàng để dành trước, còn lại mới đến khoản chi tiêu.
Châu không có khái niệm về giải trí, vui chơi, du dịch. Cuộc sống lâu nay của cô gái trẻ chỉ tồn tại những nhu cầu cơ bản không thể cắt nhưng cô luôn chọn những thứ rẻ tiền nhất.
Châu thuê căn phòng trọ 16m2 ở quận 12 chung 3 người bạn khác. Mỗi tháng, tiền trọ, điện nước hết 800.000 đồng. Còn lại hơn 4 triệu đồng, Châu chi tiêu cho ăn uống, xăng xe, điện thoại, các nhu cầu phát sinh trong cuộc sống.
Nhiều năm qua, hầu như cô gái này không ăn uống bên ngoài. Buổi sáng, cô dậy sớm nấu cơm ăn sáng rồi mang cơm đi làm. Để tiết kiệm, cô thường xuyên ăn cơm muối vừng, lạc rang mẹ gửi vào hoặc chọn những thực phẩm rẻ tiền như gan, huyết, đậu hũ, trứng...
Nhiều năm qua, Châu rất hiếm khi mua quần áo, dày dép, túi xách mới, chủ yếu dùng lại đồ cũ của chị gái hoặc người này người kia cho. Có năm, cô không mua bất cứ đồ dùng gì mới, nếu có mua cô sẽ chọn đồ cũ, hàng thanh lý.
Là con gái nhưng đồ mỹ phẩm Châu sử dụng chỉ có tẩy trang và sữa rửa mặt. Mỗi miếng bông tẩy trang Châu cắt làm đôi để dùng được hai lần, cô cũng không dùng sữa tắm hay bất kỳ loại mỹ phẩm nào khác.
Châu vẫn đang dùng chiếc xe số, laptop đời cũ bố mẹ mua cho từ hồi năm 2 đại học. Nhiều lần tính đổi sang xe ga, đổi máy nhưng nghĩ xót tiền nên cô gác lại.
Châu hiếm khi đi uống cà phê. Họp lớp, họp bạn bè cũ Châu đều từ chối tham gia. Ngay cả cưới hỏi, chỉ ai thật thân thiết không thể tránh, Châu mới dự. Hàng năm cô chỉ đi du lịch cùng với công ty. Nhiều năm liền, dịp Tết Châu không về quê, ngại đi lại tốn kém.
Đi làm về, ngoài ở phòng trọ nằm nghe nhạc, Châu lên thư viện đọc sách, chạy bộ quanh khu trọ. Ra khỏi phòng trọ, Châu luôn cầm theo bình nước để không bao giờ mất tiền mua nước uống, hoặc có khát cô cũng sẽ nhịn.
Từ khi ra trường với mức lương 7 - 11 triệu đồng, mỗi tháng Châu đều để dành mua một chỉ vàng.
Châu không ngại thừa nhận, cuộc sống của mình lúc này còn kham khổ hơn cả thời sinh viên. Lúc đi học, sống bằng tiền bố mẹ gửi, có đồng ra đồng vào từ tiền làm thêm, chưa tính toán để dành nên cuộc sống của cô khá xông xênh.
Nói về lối sống cắt hết mọi nhu cầu này, Châu bày tỏ mình không phải túyp người năng động, giỏi giang, tính cách lại an phận, cũng không thích bon chen, giao tiếp.
Nghe nhiều người lên án, phê phán lối sống bần tiện nhưng Châu tự thấy năng lực của mình có hạn, không thể làm giàu theo cách kiếm ra nhiều tiền hơn. Cô tôn sùng trường phái làm giàu bằng cách tiết kiệm, chăm chỉ với công việc hiện tại và giảm nhu cầu chi tiêu.
Mỗi tháng, nữ nhân viên mua một chỉ vàng, riêng Tết nhất có tiền thưởng, cô mua thêm. Mỗi năm Châu để dành được 1,5 cây vàng, đến nay cô để dành được gần 8 cây vàng.
Với số tiền để dành được này, cô đang có ý định sẽ mua dự án căn hộ trả góp trong 10 - 20 năm. Để thực hiện được điều này, Châu xác định mình sẽ tiếp tục sống tằn tiện "khổ hơn thời sinh viên". Với Châu thà sống khổ sở vẫn hơn sống hưởng thụ mà không dành dụm được tiền phòng thân.
Tranh cãi việc bần tiện để... làm giàu
Châu không phải là trường hợp cá biệt chọn lối sống tằn tiện đến mức bần tiện để giữ tiền. Hiện nay, không ít người tôn sùng cách sống không chi tiêu, cắt giảm mọi nhu cầu xem đó là một cách thức để làm giàu.
Nhiều bài báo về cách thức tiết kiệm hay lối sống tằn tiện của nhiều người giàu có trên thế giới, có người còn không dùng cả giấy vệ sinh được nhiều bạn trẻ chia sẻ và áp dụng. Điều này kéo theo xung đột, tranh cãi giữa hai trường phái giữa bằng cách tăng thu nhập và tằn tiện, giữa hưởng thụ và tiết kiệm...
Quản lý tài chính cá nhân là bài toán đau đầu của rất nhiều bạn trẻ (Ảnh minh họa).
Anh Nguyễn Trọng Nhân, quản lý một fanpage về tài chính, chia sẻ khi bạn đọc lời khuyên tài chính cá nhân của các triệu phú Mỹ - Âu thì nên nhớ rằng họ chỉ đang miêu tả môi trường và điều kiện kinh tế ở đất nước họ. Còn khi đem áp dụng ở Việt Nam thì gần như vô nghĩa.
Hội chứng nghiện mua sắm hoàn toàn đúng trong việc giải thích vì sao một nhóm người không thể giàu mà chỉ mắc kẹt mãi ở cái bẫy "nghèo" hoặc "bình thường".
Nhưng thực tế, đi làm có tiền thì ai cũng muốn thỏa mãn cái tôi một chút bằng cách tự thưởng cho mình chuyến đi du lịch, mua quần áo mới hoặc cái túi. Đó như thành tựu cá nhân sau những ngày tháng làm việc cật lực.
Nhìn bên ngoài thì có vẻ hoang phí nhưng họ làm vậy thì mới có động lực để phấn đấu thêm trong cuộc sống. Nếu không thì sẽ cực kỳ nhàm chán.
Theo anh Nhân, ở Việt Nam, đa số lương trung bình tầm 10 triệu đồng, rất khó để dành được sau khi đã trừ chi phí chi tiêu. Ai cũng có khoản chi tiêu nhất định và đó không phải hoang phí.
"Chúng ta hay nghe: "Muốn giàu, người trẻ không nên có quá 4 đôi giày, 3 chiếc quần jean và hạn chế đi cà phê sang chảnh". Tuy nhiên, nếu việc sở hữu hơn 4 đôi giày, 3 chiếc quần jean hay đi cà phê làm bạn vui thì cứ việc. Con người sống cần quan hệ xã giao và ăn mặc thơm tho. Không ai muốn giao lưu với một người bần tiện tới mức không đầu tư vào ngoại hình và bản thân mình", anh Nhân bày tỏ.
Anh Nhân cho rằng, có khi sự bần tiện làm hại bản thân mình. Sự thăng tiến sẽ cực kỳ giới hạn nếu khép kín. Bạn chỉ có thể sống tốt và lạc quan khi vui vẻ. Còn keo kiệt mà khiến bạn mệt mỏi thì sống không bằng chết. Hãy thoải mái nhưng có kế hoạch - đó mới là cuộc sống.
Hoài Nam