Nữ đại gia giấu chồng, mang 5 tỷ đồng đi mua “siêu cây” dáng quái
Giới chơi cây cảnh thường nhắc đến một người phụ nữ, dáng người nhỏ nhắn nhưng “gan to”, rất đam mê, hiểu biết cây cảnh. Đó là người cách đây hơn chục năm, dám mang 5 tỷ đồng, giấu chồng bắt taxi đi vào rừng mua cây dù lúc đó chị sở hữu 2 chiếc siêu xe.
Chị là Ngô Thị Thu (TP. Việt Trì, Phú Thọ) - Bà chủ vườn cây di sản độc nhất vô nhị ở Việt Nam, vợ của đại gia Phan Văn Toàn (thường được gọi là Toàn “đô la), một tay chơi “khét tiếng” trong giới cây cảnh Việt.
Gặp chị Thu tại tư gia, nơi đặt hàng chục cây quý. Dáng người nhỏ nhắn, khả ái nhưng lại rất hoạt bát khi nói về những cây cảnh trong khuôn viên nhà. Chị có thể nói cả ngày cho các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm quan về nguồn gốc từng cây cũng như giá trị nghệ thuật của mỗi cây.
Dẫn chúng tôi vào sâu bên trong khuôn viên, nơi đặt cây sanh cổ đầu tiên chị mua. Tác phẩm có tên “Ngọa hổ tàng long”, chị Thu chia sẻ, đây là cây sanh đầu tiên chị tự tay đi mua về khiến giới chơi cây bàng hoàng bởi cách đây hơn 10 năm, có rất nhiều đại gia nhiều tiền nhưng cũng không mua được cây này.
“Thời điểm đó, giới chơi cây biết cây này nhưng họ giấu rất kỹ vì chủ cây chưa muốn bán. Mình may mắn có người cháu sống ở đất Tuyên Quang mách. Nếu mua được cây này sau này nó sẽ trở thành cây rất có giá trị. Khi lên đến nơi, nhìn thấy cây, tôi sững người ra một lúc, trong đầu tự hỏi, trong rừng sâu thế này sao lại có một cây đẹp, lạ như vậy, tại sao trong làng cây cảnh không ai nhắc tới”, chị Thu tâm sự.
Quá đam mê cây, nhiều lần chị và chồng đi xe vào rừng ở đất Tuyên Quang hỏi mua nhưng chủ nhân nhất quyết không bán. Lần thứ 7, chị quyết một mình đi mua bằng được và chị đã thuyết phục thành công người chủ cũ nhượng lại.
“Họ thấy mình rất yêu cây nên bán lại cho mình vì họ muốn gửi gắm cây cho một người biết trân trọng giá trị của tác phẩm”, chị Thu nói
Cây sanh của một gia đình sống trong rừng sâu vùng đất Tuyên Quang, lái xe một mình vào mua cây rất khó khăn “mình nói với chồng là bắt taxi về quê vì không muốn cho chồng biết. Một mình mang theo 5 tỷ đồng, giấu trong thùng nhựa đựng nước lọc. Đường đi vào rất khó khăn, phải bắt đò qua sông, qua sông lại không đi được nữa, lại phải thuê một chiếc xe máy của người dân chở vào”, nữ đại gia nói
Trải qua hơn một thập kỷ, rất nhiều khách trong nước và quốc tế đến chiêm ngưỡng tác phẩm “Ngọa hổ tàng long”. Tất cả đều rất khâm phục, tâm đắc khi nhìn thấy cây, chỉ có thiên nhiên tạo tác chứ con người không thể làm được.
Theo đó, cây có hai thân quấn vào nhau như 2 con rồng, phần rễ cây như những móng rồng cắm xuống đất như một con mãnh hổ của rừng sanh, nhìn rất mạnh mẽ nên chị Thu đặt tác phẩm với cái tên “Ngọa hổ tàng long”.
Bà chủ vườn cây triệu đô chia sẻ: “Chủ tịch hội sinh vật cảnh nghệ thuật Đài Loan sang ngắm và đã trả 1,4 triệu USD nhưng tôi không bán vì đây là báu vật không những của gia đình mà là báu vật của Việt Nam”.
Cùng Dân trí chiêm ngưỡng tác phẩm sanh cổ “Ngọa hổ tàng long” của nữ đại gia đất Tổ:
Cây sanh cổ “Ngọa hổ tàng long” có tuổi đời hơn 300 năm của chị Ngô Thị Thu (TP. Việt Trì, Phú Thọ) được giới chơi cây thường nhắc đến là một “siêu cây” triệu đô. Chậu được thiết kế theo kích thước của cây, dài 2,6m, rộng 1,4m. Chậu là hình “Long, ly, quy, phượng” có giá 300 triệu đồng
Hai thân quấn vào nhau như hai con rồng. Hình ảnh mặt trước của tác phẩm…
… và mặt sau. Thân cây lớn, quấn vào nhau rất tự nhiên tạo ra những đường cong mềm mại mà chỉ có thiên nhiên tạo ra
Phần đầu rễ cây như đầu con hổ, các rễ cây như những móng rồng cắm vào đất nhìn tuyệt đẹp
Giới chơi cây cảnh trong và ngoài nước đều phải trầm trồ trước bộ rễ, nhỏ bệt vào nhau rất quái
Phần đuôi cây có những rễ lớn như đôi chân vững chãi của loài chúa tể rừng xanh
Một chùm rễ cây như móng vuốt của loài hổ rất dũng mãnh
Một chùm rễ cây như móng vuốt của loài hổ rất dung mãnh
Chị Thu cho biết “quý vật tìm quý nhân”, mình cũng có duyên và may mắn mới sở hữu được tác phẩm quý
Đây là tác phẩm đầu tiên chị tự mang tiền đi mua nên cây đã đánh một dấu mốc quan trọng trong suốt hơn một thập kỷ chơi cây cảnh của chị
Tú Quyên