Trong những năm gần đây, nông dân ở Gia Lai, nhất là huyện Kbang, đang mở rộng mô hình cây mắc ca. Đây là một cây trồng khá mới mẻ nên người dân vùng cao nguyên còn rất thận trọng.
Người dân chủ yếu trồng mắc ca như một cây xen canh hoặc thử nghiệm. Vụ mùa năm 2021 này, người dân đang phấn khởi vì giá cây mắc ca bỗng nhiên tăng gấp đôi so với năm 2020.
Dẫn chúng tôi đi xem 700 cây mắc ca đang xen canh với cây cà phê, ông Phạm Văn Xây (65 tuổi, ở Suối U, xã Đăk Roong, huyện Kbang, Gia Lai) cho hay, ngay vụ thu hoạch chính đầu tiên, mắc ca vườn nhà đã bán được bán giá cao.
Người dân vùng cao huyện Kbang phấn khởi khi mắc ca trúng mùa và được giá cao.
Ông Xây cho biết, năm 2020 do đang bói quả nên cây mắc ca chưa đạt năng suất như mong muốn, thu được khoảng 2 tấn và bán với giá 40.000 đồng/kg. Để tăng thêm giá thành, gia đình đã sấy khô, hút chân không để bảo quản.
Năm nay, 700 cây mắc ca bắt đầu vào vụ thu hoạch chính thức sau hơn 3 năm sinh trưởng. Tính đến cuối tháng 8, gia đình ông Xây đã thu hơn 3 tấn quả và bán với giá hơn 90.000 đồng/kg. Dự tính còn khoảng gần một tấn quả đang chín rải rác ở trong vườn.
Tuy là cây trồng xen canh nhưng mắc ca đang có giá từ 90.000-100.000 đồng/kg, gấp 2-3 lần so với nhiều loại nông sản trên địa bàn.
Theo ông Xây, ngay từ đầu mùa, các thương lái đã thu mua với giá từ 90.000-100.000 đồng/kg. Hiện gia đình đang tiếp tục sấy khô, hút chân không vận chuyển đến các thành phố lớn để tiêu thụ.
Ông Xây đang mở rộng trồng thêm 5 ha cây mắc ca trồng thuần. Từ việc phát triển diện tích cây mắc ca trồng thuần mới và cả việc thu hoạch trái mắc ca ở vườn xen canh, vườn nhà ông Xây tạo việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn.
Tương tự, anh Nguyễn Lân Phong (46 tuổi, ở tổ 4, thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) trồng mắc ca xen canh cà phê và hồ tiêu cho hiệu quả tăng gấp 3 lần, mỗi năm thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Anh cũng như nhiều hộ ở vùng này đang mong cây mắc ca sẽ là cây "thoát nghèo" cho nhiều gia đình.
Người dân đang thu hoạch mắc ca trên diện tích xen canh. Mỗi năm thu được hàng trăm triệu từ cây trồng "thoát nghèo" này.
"Tôi có hơn 1 ha trồng cà phê. Để tăng thêm hiệu quả kinh tế nên gia đình đã đầu tư trồng xen canh thêm cây mắc ca. Tuy là cây xen canh nhưng nó lại cho thu nhập cao hơn cả cây chính. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng hơn 400 triệu, lãi ròng hơn 250 triệu đồng. Riêng nguồn thu từ cây mắc ca trung bình khoảng 300 triệu đồng, cà phê 100 triệu đồng" - anh Phong cho biết.
Từ khi trồng mắc ca xen canh với các cây trồng khác, hiệu suất vườn cây nhà anh Phong tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, nhà vườn đã giảm chi phí đầu tư phân bón, một lần bỏ phân thì cả 3 loại cây cùng hưởng, giảm nhân công lao động, giảm tưới nước vào mùa khô. Tuy nhiên, hiệu quả thu kinh tế lại lên hơn gấp nhiều lần.
Cơ quan chức năng đã hướng dẫn người dân phát triển cây mắc ca. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Anh Phong cho biết, cây mắc ca ở đây sinh trưởng tốt và cho năng suất khá cao. Những cây lâu năm thu từ 15-20 kg. Riêng tại vườn anh có nhiều cây đạt 40 kg/cây. Bình quân mỗi năm anh thu hoạch hơn 2 tấn mắc ca. Đến mùa, quả chưa thu đã có thương lái đến tận nhà đặt mua hết.
Chị Phạm Thị Tuyết (thương lái xã Đăk Roong, huyện Kbang, Gia Lai) cho biết: "Do ở đây là xã miền núi, giao thông đi lại khó khăn nên tôi đã mạnh dạn đầu tư máy sấy, máy hút chân không để thu mua hạt mắc ca cho bà con, trước khi vận chuyển đi các thành phố lớn để tiêu thụ. Hiện giá mắc ca đang dao động từ 90.000-100.000 đồng/kg. Sau khi thành phẩm đóng gói sẽ có giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg".
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kbang, quy hoạch đến năm 2020 toàn huyện có khoảng 600 ha mắc ca nhưng đến nay diện tích đã tăng lên gần 1.000 ha. Huyện có 4 sản phẩm OCOP 3 sao thì đã có 3 sản phẩm từ mắc ca.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang - cho biết: Tính đến đầu năm nay, trên địa bàn huyện đã trồng được hơn 900 ha cây mắc ca. Nhận thấy giá trị kinh tế cao ở loại cây này nên huyện đã có chủ trương hỗ trợ giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và bà con đồng bào bản địa để nhân rộng mô hình.
"Cây mắc ca trồng ở các xã phía bắc, nơi có địa hình đồi núi cũng phù hợp và tăng thêm độ che phủ rừng… Hiện huyện cũng đang kết nối để cho các hộ dân có đầu ra ổn định" - lãnh đạo huyện Kbang cho hay.
Phạm Hoàng