Như vậy, vượt qua những thời điểm khó khăn nhất, theo Bộ Công thương, đến thời điểm này, tình hình phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ thiết yếu cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã từng bước được khắc phục bởi sự vào cuộc của các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Theo đó, các sàn TMĐT đã thực hiện hàng loạt những chương trình nhằm đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng mà không phải gặp trực tiếp giữa người mua và người bán, hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc trực tiếp. Cụ thể, Các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Voso... đã nhanh chóng triển khai các Chương trình như “Đi chợ tại nhà”, “Tiếp sức Sài Gòn – Tiki trao tươi ngon”, “Thực phẩm bình ổn” nhằm giúp đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách đầy đủ, nhanh chóng. Giới chuyên gia đánh giá, các sàn thương mại điện tử chính là công cụ hữu hiệu nhất, là cứu cánh cho việc tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Mặc dù trong thời gian đầu triển khai, khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn nhất vì các địa phương buộc phải thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tuy nhiên, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan, các chương trình do các sàn thương mại điện tử triển khai đã từng bước ổn định và đạt được những hiệu quả rõ rệt, hàng hóa đến tay người tiêu dùng được thuận lợi hơn.
Đại diện Sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, những ngày qua, lượng rau củ được chuẩn bị luôn ở mức cao, mỗi ngày có khoảng 10.000 đơn hàng để đặt mặt hàng rau củ. Tương tự, đối với các mặt hàng lương thực thiết yếu khác như thịt gia súc, gia cầm tươi sống, lượng hàng chuẩn bị lên đến 30 tấn/ ngày. Cao là vậy song ngày nào số đơn đặt hàng cũng đầy ắp, và như vậy dù sản lượng tăng gấp nhiều lần so với ngày thường, hàng hóa vẫn được tiêu thụ rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, các sàn như Tiki, Shopee hay Lazada với các thực phẩm tươi sống tương tự cũng được tiêu thụ nhanh và tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn cung đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định cho người dân. Đặc biệt sàn Voso và Postmart có lợi thế về logsitics nên đã tổ chức được cả hình thức được cả hình thức bán hàng bình ổn giá online kết hợp offline, đảm bảo vận chuyển đủ hàng thiết yếu đến đúng các đối tượng đang rất cần.
Số liệu của Bộ Công thương cho hay, tính đến thời điểm này, chương trình thực phẩm lưu động tại thị trường TP. Hồ Chí Minh của sàn thương mại điện tử Voso đã tiêu thụ hơn 150 tấn rau củ quả tại 34 điểm bán hàng lưu động phân bổ ở 20 quận, huyện TP. Hồ Chí Minh. Theo các sàn TMĐT Voso và Viettel Post, hai sàn này sẽ tiếp tục tăng lưognj hàng nhập đầu vào, dự kiến lên 60 -80 tấn/ ngày, đảm bảo không thiếu hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cho người dân TP. Hồ Chí Minh.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, sự vào cuộc kịp thời của các sàn thương mại điện tử đã bộc lộ những hiệu quả rõ nét. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) nhận định, các kênh thương mại điện tử đang góp phần hỗ rợ cho kênh phân phối truyền thống, giúp người dân có thể mua sắm một cách thuận lợi ngay tại nhà, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Tổ công tác tiền phương của Bộ Công thương tại TP. Hồ Chí Minh đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân TP và các tỉnh phía Nam. Trong tình hình đó, bà Huyền khẳng định, Cục TMĐT sẽ tiếp tục cùng với các sàn TMĐT tổ chức việc cung ứng hàng hóa, đưa hàng hóa lương thực thiết yếu đến tận tay người tiêu dùng ở các địa phương, kể cả việc đưa hàng hóa từ khu vực miền Bắc, miền Trung vào trong miền Nam.
Thế Hưng