Fica
  1. Đời Sống

Những "trùm" hàng lậu ngày chốt cả nghìn đơn, "hốt bạc" nhờ livestream

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Không cần thuê mặt bằng tốn kém, một số kho hàng chuyên bán hàng online theo hình thức livestream chốt được cả vài nghìn đơn mỗi ngày.

Liên tiếp phát hiện kho lậu "khủng"

Mới đây, thông tin một kho hàng lậu có quy mô lớn tại Hà Nội bị phát hiện thu hút sự quan tâm của dư luận. 

Kho hàng rộng với hàng trăm mã hàng, hàng vạn sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm được chủ cơ sở kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội thông qua hình thức livestream.

Không cần thuê mặt bằng tốn kém, kho hàng này được bố trí nằm khuất trong một con ngõ tại thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội. Chủ kho là N.V.N, sinh năm 1992.

Với cách thức bán online, thông qua hình thức chuyển phát nhanh, các đơn hàng sau khi được chốt được vận chuyển đến khắp mọi miền đất nước từ Bình Định, Khánh Hòa, đến Thanh Hóa, Quảng Ninh...

Theo cơ quan quản lý thị trường, chỉ trong 6 tháng, kho hàng có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán, tức trung bình một ngày sẽ có hơn 3.600 đơn được gửi đi - một con số vô cùng lớn và là doanh số khó thể có được với các mặt bằng bán hàng truyền thống thông thường.

Việc này không phải hy hữu. Trước đó, hồi tháng 7/2020, cơ quan chức năng cũng đã ập vào kiểm tra kho hàng rộng hơn 10.000 m2 tại Lào Cai của một ông chủ 9X.

Những trùm hàng lậu ngày chốt cả nghìn đơn, hốt bạc nhờ livestream - 1

Bên trong kho lậu "khủng" rộng cả 10.000m2.

Qua kiểm tra, cơ quan quản lý phát hiện kho hàng chứa hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu được các đối tượng livestream bán hàng công khai trên Facebook. Tổng kho hàng có 237 chủng loại hàng hóa với hơn 158.000 đơn vị sản phẩm. Trong đó, trên 151.300 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu) và hơn 6.600 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Ngày nào tối thiểu nhóm nhân viên chuyên livestream cũng chốt được trên dưới 1.000 đơn hàng. Bình quân hàng tháng gần 100.000 đơn vị sản phẩm, phục vụ cho 30.000 đến 40.000 đơn hàng.

"Làm phép tính nhẩm đơn giản, nếu tổng kho này tồn tại 1 năm thì sẽ có hàng triệu sản phẩm được bán lẻ từ đây đi khắp Việt Nam, đấy là còn chưa kể kênh bán buôn", một lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết. Chốt được số lượng đơn lớn như vậy, một số nhân viên diễn livestream được trả rất cao, tới trên 80 triệu đồng/tháng.

Đẩy mạnh kiểm tra hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Hình thức bán hàng livestream hiện nay khá phổ biến. Các trang livestream bán hàng xách tay, đồ hiệu "rởm", hàng lậu... "mọc lên như nấm sau mưa". 

Lướt qua một số nhóm chuyên bán hàng xách tay trên mạng xã hội Facebook, PV Dân trí ghi nhận có những trang có từ vài trăm đến vài chục ngàn thành viên tham gia.

Những trùm hàng lậu ngày chốt cả nghìn đơn, hốt bạc nhờ livestream - 2

Một kho hàng lậu chuyên bán hàng livestream vừa bị phát hiện.

Có những tài khoản livestream bán hàng ngoài người trực tiếp giới thiệu trước màn hình thì có đến hàng chục nhân viên khác làm nhiệm vụ kiểm tra tin nhắn và chốt đơn. Điều này cho thấy hình thức bán hàng mới này rất chuyên nghiệp và được thực hiện bởi một nhóm người chứ không chỉ một người.

Nhờ livestream mà các trang bán hàng thu hút được đông đảo người tiêu dùng tham gia trong một thời gian ngắn. Vì vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức này để lừa đảo người tiêu dùng bằng các mặt hàng cấm, hàng nhái, hàng giả. Chưa kể nhiều khách hàng còn bị sập bẫy lừa tiền khi mua hàng qua các hình thức livestream.

Trong khi đó, lợi nhuận từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái thông qua mạng xã hội là rất lớn. Các chuyên gia cho rằng, cần có những chế tài mạnh tay hơn để xử lý. Bởi nếu tiền phạt chỉ bằng một phần nhỏ so với lợi nhuận khủng họ thu được thì vẫn không thể dẹp triệt để được. Chặn trang này sẽ lại mọc lên trang khác, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính khác.

Các cục quản lý thị trường đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát theo Quyết định số 888 của Tổng cục Quản lý thị trường về đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 5 năm 2021-2025 (thay thế Quyết định 3972).

Lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường khẳng định sẽ tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ chống hàng giả, hàng nhái và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chống gian lận thương mại trên môi trường internet. Đồng thời, làm tốt công tác chống buôn lậu và những hành vi gian lận thương mại mới như xuất xứ hàng hóa và an toàn thực phẩm...

Nguyễn Mạnh