Theo chia sẻ của các hộ dân trồng mía ở huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), những năm trở lại đây, giá mía đường xuống thấp, sức thu mua của Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng (đơn vị thu mua chính) cũng chỉ ở mức cầm chừng. Nhiều diện tích mía nằm ở giáp đường lộ, thuận tiện cho giao thông đã được người dân dần chuyển sang trồng mía nước (bán lấy nước uống).
Tuy nhiên, chỉ sau vài năm chuyển đổi thuận lợi, trong niên vụ 2019 - 2020 này, người trồng mía nước trên địa bàn huyện Cù Lao Dung lại rơi vào “vết xe đổ” của cây mía đường, khi mà đã kết thúc vụ mía nhưng nhiều diện tích vẫn chưa được thu hoạch.
Còn với nông dân, giờ chờ thương lái cũng không được, mà hủy hợp đồng đã ký cũng không xong vì phải đền cho thương lái, trong khi mía càng ngày cứ khô dần. Họ đành chờ mía chết khô để đốn bỏ, chuẩn bị làm đất xuống giống vụ mới.
Người dân Cù Lao Dung đang "đứng ngồi không yên" vì mía quá lứa thu hoạch nhưng chưa bán được.
Bà Nguyễn Thị Yên (ngụ ấp Đoàn Văn Tố A, xã Đại Ân 1) cho biết: “Nhà tôi trồng 3 công mía (mỗi công 1.000m2) đã đến ngày thu hoạch nhưng hạn hán, xâm nhập mặn, năng suất cũng như chữ đường bị ảnh hưởng. Thương lái liên hệ mua cả 3 công trả 6 triệu đồng, nhưng vẫn không thấy họ vào mua, chắc là họ chạy rồi”.
Còn chị Đặng Thị Cẩm Giang (ngụ ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1) chia sẻ: “Năm nay gia đình tôi trồng 2 ha mía nước. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới thu hoạch được 5 công, còn 15 công chưa thu hoạch. Nếu khoảng nửa tháng nữa mà không thu hoạch xong thì khả năng phải đốn bỏ mía để chuẩn bị cho vụ trồng mới là rất cao. Vụ này lỗ cả trăm triệu rồi”.
Theo chị Giang, năm nay do ảnh hưởng của hạn, mặn và dịch bệnh Covid-19 nên việc thu mua mía của thương lái rất chậm. Nhiều chỗ thương lái thu mua mía nhưng lại ép giá, nên nhiều hộ phải “bấm bụng” chịu lỗ mà thu hoạch cho xong, có được đồng vốn còn đỡ hơn phải thuê thêm công đốn mía bỏ.
Mía đang dần chết khô ở xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung, niên vụ mía năm nay trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tình hình xuống giống mía cho niên vụ mới cũng tương đối chậm do nguồn nước ngọt còn khan hiếm. Dự báo kế hoạch xuống giống khoảng 3.500 ha mía niên vụ 2020 - 2021 sẽ khó đạt.
Cây mía trước đây được xem là cây trồng chủ lực, giúp nhà nông làm giàu nên nhiều hộ chọn cây mía để trồng. Huyện Cù Lao Dung trở thành “cù lao mía”, diện tích lúc cao điểm lên trên 8.000 ha mỗi niên vụ. Giờ đây, cây trồng này đã không còn mặn mà với nhà nông, thậm chí trở thành “gánh nặng” nên nhiều hộ đã bỏ mía chuyển đổi sang các mô hình khác như đào ao nuôi tôm, trồng cây ăn trái… khiến diện tích mía giảm nhanh.
Điều đáng nói, không phải hộ trồng mía nào muốn chuyển đổi từ cây mía sang cây trồng khác là được và dễ dàng. Bởi, sau nhiều năm thất bại, nợ nần đã đeo cùng người dân, ngay cả vốn liếng để đầu tư cho giống mía mới, người nông dân cũng hết khả năng. Giờ nếu bỏ mía thì không có vốn để chuyển đổi, còn tiếp tục trồng cũng không khả quan, khi thời tiết ngày càng cực đoan, giá cả ngày càng xuống thấp, năng suất mía giảm nhiều.
Có thể nói, người nông dân đang bám trụ cùng cây mía Cù Lao Dung giờ đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
C.X.L