Không khí ở các làng ven biển xã Duy Hải, Duy Nghĩa tấp nập, nhộn nhịp hẳn lên vì ngư dân vừa trúng vụ ruốc ven bờ. Mặc dù chỉ mới đầu vụ ruốc nhưng các thuyền, thúng đều tranh thủ nổ máy ra biển để kéo mành vớt ruốc.
Ruốc đánh bắt đầy khoang, sau đó sẽ dùng thúng chai đưa vào bờ
Theo nhiều ngư dân tại đây, năm nay mùa ruốc xuất hiện muộn hơn, bình thường bắt đầu từ tháng Giêng, nhưng năm nay đến rằm tháng 2 mới có. Mùa ruốc chỉ kéo dài 1-2 tháng thì kết thúc. Dù vậy, nhờ “lộc biển” này mà nhiều người có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Những ngày này ngư dân ven biển các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) được mùa ruốc biển
Ông Lê Văn Chín (thôn 3, xã Duy Hải) cho biết, mùa ruốc biển năm nay đến muộn hơn chỉ xuất hiện vài ngày gần đây. Ông cùng hai con trai dong thuyền đánh bắt từ 5 giờ sáng đến hơn 12 giờ trưa thì kết thúc. Nếu ngày trúng lớn có thể thu về hơn 1 tấn ruốc, ngày ít nhất cũng gần 1 tạ.
Ngư dân rất phấn khởi vì “lộc biển” mang lại cho họ nguồn thu nhập khá
“Chúng tôi dong thuyền cách bờ chừng 1 hải lý, rồi thả lưới mành xuống độ sâu khoảng 5-6m để đánh đáy. Ngày may mắn có thể thu về được mười mấy triệu, ngày ít hơn cũng được vài triệu. Những ngày này, tôi huy động cả gia đình cùng đánh bắt, tôi cùng con trai kéo mành vớt ruốc, còn vợ đưa ruốc vào phơi khô rồi bán cho thương lái”, ông Chín nói.
Mùa ruốc thường bắt đầu từ tháng Giêng, nhưng theo nhiều ngư dân mùa ruốc năm nay đến muộn hơn
Giá ruốc nhỏ bán tươi giá 20 ngàn/kg, ruốc khô 60 ngàn/kg (4 ký ruốc tươi được 1 ký ruốc khô); ruốc lớn bán tươi giá 30 ngàn/kg, ruốc khô 90 ngàn/kg.
Mỗi chuyến đặt mành đánh đáy bắt ruốc, ngày nhiều ngư dân có thể thu về vài triệu đồng
Ngư dân dùng thuyền lớn để đánh bắt ruốc, khi đầy khoang thì dùng thúng chai để đưa ruốc vào bờ. Đánh mành bắt ruốc ngoài khơi chỉ dành cho cánh đàn ông, còn phụ nữ có nhiệm vụ đưa ruốc vào cân tươi cho thương lái hoặc phơi khô rồi bán.
Ruốc sau khi lên bờ sẽ được cân tươi cho thương lái, hoặc phơi khô bán
Ông Nguyễn Văn Lẹ (xã Duy Hải) phấn khởi cho biết: “Sau khi kéo được một mẻ ruốc đầy, thuyền sẽ chạy gần bờ. Sau đó, dùng thúng đưa ruốc vô bờ, bán ngay trên bãi, các thuyền ngoài biển vẫn tiếp tục đánh ruốc. Năm nay, ruốc vào nhiều hơn mọi năm nên việc đánh bắt nhanh mang lại thu nhập cho ngư dân đánh bắt gần bờ”.
Nghề đánh bắt ruốc tuy không quá nguy hiểm, nhưng công sức bỏ ra lớn nên ai cũng hy vọng một mùa ruốc bội thu
Dùng thúng chai đưa hơn 2 tạ ruốc vào bờ cho vợ mang đi cân, ông Trần Văn Tân (xã Duy Nghĩa) cho biết, ruốc năm nay xuất hiện muộn hơn mọi năm. Ruốc chỉ xuất hiện vài ngày gần đây, thấy nhiều người đưa thuyền đi kéo mành ruốc, ông cũng cùng con trai tranh thủ kiếm thêm thu nhập.
Những con ruốc tươi rói, là “lộc biển” nên ai cũng hồ hởi hy vọng một năm làm ăn thắng lợi
Hai cha con đi từ 6 giờ sáng, đến khoảng 9 giờ thì cho thuyền chạy vào, rồi mang thúng chai đưa hơn 2 tạ ruốc vào bờ, sau đó tiếp tục đánh bắt đến quá trưa thì về.
Không khí lao động phấn khởi những tháng đầu năm
Nếu trời nắng đẹp, ruốc chỉ cần phơi khoảng 3 tiếng là khô, sau đó đóng gói cân cho thương lái
“Tùy năm mà ruốc ít hay nhiều, có năm không có. Vài ngày nay, nghe tin trúng mùa ruốc nên hôm nay tôi tranh thủ đi kéo mành xem sao. Dự kiến hôm nay, chúng tôi cũng kéo được vài tạ, thu nhập chừng vài triệu là thấy “ấm cúng” rồi. Có thương lái mua tại chỗ thì bán tươi, không thì phơi khô bỏ cho bạn hàng”, ông Tân nói thêm.
Rộn ràng mùa ruốc biển
Dưới nước thuyền đánh bắt ruốc ra vào, trên cạn người bán người mua nói cười hồ hởi làm cho không khí lao động càng thêm hăng say, phấn khởi. Lộc trời cho nên người bán không hét giá, người mua không kì kèo. Lao động vất vả mà ai cũng cười đùa vui vẻ.
Công Bính – Ngô Linh