Fica
  1. Đời Sống

Ngôi làng giàu nhất Trung Quốc chìm trong nợ nần

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Làng Hoa Tây, tỉnh Giang Tô, được mệnh danh là ngôi làng xa hoa, giàu có nhất ở Trung Quốc với những cao ốc sang trọng và mỗi người dân đều là triệu phú nhưng hiện đang chìm trong cảnh nợ nần, theo Nikkei Asian Review.

 

Trâu nặng 1 tấn vàng, biểu tượng cho sự thịnh vượng của ngôi làng giàu nhất Trung Quốc Hoa Tây (Ảnh: Reuters)

Trâu nặng 1 tấn vàng, biểu tượng cho sự thịnh vượng của ngôi làng giàu nhất Trung Quốc Hoa Tây (Ảnh: Reuters)

Hoa Tây là ngôi làng nằm cách thành phố Thượng Hải về hướng tây bắc 2 giờ đồng hồ lái xe. Cố Bí thư đảng ủy Hoa Tây Wu Renbao là người có công đầu trong công cuộc xây dựng ngôi làng trở nên giàu có.

Vào thời kỳ Bắc Kinh bước vào cuộc cải cách mở cửa dưới thời cố Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, Hoa Tây đã xây dựng và phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, luyện kim cũng hàng loạt ngành nghề khác, mang lại sự thay đổi thần kỳ cho ngôi làng này.

Dân làng Hoa Tây có thể sống tốt nhờ vào các khoản cổ tức từ các doanh nghiệp địa phương và nhà cửa cũng như siêu xe được phát miễn phí. Biểu tượng sự thịnh vượng của Hoa Tây là khách sạn cao 300 m nằm ngay giữa làng và bức tượng trâu làm bằng 1 tấn vàng trị giá 43,5 triệu USD nằm trong khuôn viên tòa nhà này.

Có thể nói, từ một ngôi làng duyên hải thuần nông, Hoa Tây đã “lột xác” ngoạn mục, biến thành khu phức hợp hàng tỷ USD với nhiều ngành công nghiệp. Hoa Tây có khoảng 2.000 cư dân sinh sống, với mức sống rất cao. Họ thậm chí còn có dịch vụ taxi bằng máy bay trực thăng.

Theo Nikkei Asian Review, rắc rối bắt đầu xảy đến với ngôi làng đại gia của Trung Quốc từ năm 2017, sau khi công ty chủ chốt tại đây là tập đoàn Hoa Tây bị vướng vào khoản nợ 40 tỷ nhân dân tệ (5,8 tỷ USD).

Theo đó, chỉ những cư dân dài hạn ở Hoa Tây mới được nhận nhà ở và cổ tức hàng năm, trong khi những người dân mới tới cho biết họ bị coi như nông dân nhập cư. Các nhà máy thép phải cạnh tranh khốc liệt với các công ty thép quốc doanh có quy mô lớn hơn, và phải chuyển sang cho thuê địa ốc để kiếm phần lớn thu nhập. Thay vì chia cổ tức như những năm trước, tập đoàn Hoa Tây dường như phải phát phiếu giảm giá khách sạn cho cư dân.

Gần khách sạn cao cấp là một công ty dệt may với những sản phẩm có giá 200 tệ (29 USD). Tuy nhiên, triển vọng phát triển của những công ty này không mấy sáng sủa khi những dòng thời trang nước ngoài như Uniqlo hay GAP đang mở rộng mạng lưới bán hàng trực tuyến và cửa hàng trên khắp lãnh thổ Trung Quốc.

Hoa Tây đã mở rộng diện tích lên khoảng 35 km2 sau hàng loạt các hoạt động sáp nhập với các làng nằm sát cạnh, cho thấy trong thời gian qua ngôi làng đã phát triển kinh tế dựa trên bất động sản. Dù ngôi làng đã nỗ lực chuyển định hướng đầu tư sang lĩnh vực tài chính, vận tải đường biển và khai khoáng, nhưng bất động sản dường như vẫn là lĩnh vực dễ kêu gọi vốn đầu tư nhất, cũng như mang về lợi ích nhanh nhất.

Khách sạn Long Xi, cao hơn 323 m, chi phí xây 470 triệu USD, nằm sừng sững giữa ngôi làng giàu có nhất Trung Quốc, Hoa Tây. (Ảnh: AFP)

Khách sạn Long Xi, cao hơn 323 m, chi phí xây 470 triệu USD, nằm sừng sững giữa ngôi làng giàu có nhất Trung Quốc, Hoa Tây. (Ảnh: AFP)

Hoa Tây không khác gì với nhiều địa phương khác ở Trung Quốc, theo Nikkei Asian Review. Ngôi làng đang "vật lộn” với những phương án để kích thích ngành công nghiệp, trong bối cảnh các khoản đầu tư này không thể sinh lời nhanh như bất động sản. Giá cổ phiếu tụt giảm trong năm qua khiến Hoa Tây càng thêm phụ thuộc vào ngành bất động sản như nguồn thu nhập chính.

Nikkei cho rằng nền kinh tế của Hoa Tây nếu càng phụ thuộc vào bất động sản sẽ giống như “lâu đài cát”, dễ xây cao nhưng cũng dễ sập.

Vấn đề của Hoa Tây được các chuyên gia cho rằng có liên quan tới việc chính quyền chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nỗ lực trong việc giảm các khoản nợ trong nước.

Các số liệu chính thức cho thấy khoản nợ công của các chính quyền địa phương hiện ở mức 16 nghìn tỷ tệ (2,3 nghìn tỷ USD), chưa quá lớn so với GDP của Trung Quốc, khoảng 11,6 nghìn tỷ USD. Nhưng khoản nợ của các địa phương có thể đạt tới con số 4,36 nghìn tỷ USD nếu cộng thêm khoản nợ của các công ty có liên kết với chính quyền, các công cụ tài chính của chính quyền cũng như các dự án hợp tác theo mô hình tư nhân - quốc doanh.

Hồi năm 1994, Trung Quốc từng trải qua một cuộc cải cách thuế trên quy mô lớn gây ra rất nhiều khó khăn. Các chuyên gia dự đoán, nếu chính quyền ông Tập thực sự quyết liệt trong việc xử lý vấn đề nợ trong nước, một cuộc cải tổ “gây tổn thương” khác sẽ buộc phải xảy ra.

Đức Hoàng

Theo Nikkei Asian Review