Đẩy chiếc xe chở thạch, tào phớ, đỗ đen dọc con phố Xã Đàn (Hà Nội), chị Hương tâm sự, trung bình mỗi ngày, chị bán ra 150 - 200 cốc thạch các loại, thu về cả triệu đồng.
Đặc biệt, hôm nào nắng nóng, doanh số có thể tăng gấp 2 - 3 lần. Giá cho mỗi cốc thạch găng là 7.000 đồng, đỗ đen là 8.000 đồng/cốc, tào phớ là 10.000 đồng/cốc.
Những chiếc xe chở thạch, tào phớ hút khách trong nắng nóng ngày hè
Chị kể, tính ra, chị lên Hà Nội đã ngót nghét được gần 5 năm, thì có tới 3 năm mưu sinh bằng nghề bán thạch. Công việc tuy vất vả nhưng đổi lại chị có thu nhập tốt, đủ tiền để chị gửi về quê chăm con.
"Đều như vắt chanh, cứ 5 giờ sáng hàng ngày là tôi bắt đầu dậy sửa soạn đồ đoàn, chất vật dụng lên xe. Còn nguyên liệu như chè, thạch thì đa phần phải nấu từ đêm hôm trước, để hôm sau bỏ vào thùng đá lạnh" - chị nói.
Ngoài bán dạo ở các vỉa hè, chị Hương còn nhận giao hàng theo ngày nếu có khách đặt trước. Nhờ thế mà chị có thêm 1 phần thu nhập ổn định từ nguồn khách quen.
"Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng có xu hướng đặt đồ ăn mang đến tận nhà. Để bắt kịp với thời đại, tôi cũng phải sắm 1 chiếc điện thoại để cứ ai alo là có mặt liền" - chị Hương nói.
Bát thạch găng mát lạnh bao gồm trân trâu trắng, thạch đen và dừa nạo
Tương tự, cô Thủy, người bán chè đỗ đen trên đường Đê La Thành (Hà Nội) tâm sự, cứ từ 8 giờ sáng là cô bắt đầu gánh hàng đi dọc các con phố. Kể từ hôm nắng nóng, mỗi ngày cô bán ra khoảng 100 - 150 cốc chè.
Một cốc chè đỗ đen đầy đủ có thêm trân châu, dừa, thạch có giá là 10.000 đồng/cốc. Trừ hết chi phí nguyên vật liệu, cô cũng bỏ túi hơn nửa triệu đồng/ngày.
"Tôi thường nấu chè theo phương pháp truyền thống nên nhiều người rất chuộng. Họ thường ăn tại chỗ 1 cốc nhưng mang về phải 3 - 4 cốc, nhiều người còn mua cả chục cốc về quà cho gia đình" - cô Thủy cho hay.
Cô cho rằng, bí kíp khiến quán nhà cô luôn đông khách là giữ vững phương châm đồ ăn sạch, bán đúng giá và uy tín là niềm tin. "Giờ mọi người sành ăn lắm, thử qua là biết đồ có đảm bảo hay không, nên làm ăn lôm côm thì mất điểm như chơi. Quan điểm của tôi là dù có bán ở vỉa hè nhưng phục vụ khách phải luôn hết mình, hết sức".
Các quán giải nhiệt mùa hè luốn tấp nập khách vào ra
Đồng quan điểm, cô Oanh, người bán thạch găng trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, thời buổi cạnh tranh thì gánh hàng rong cũng phải nâng cấp. Nâng cấp từ cung cách phục vụ cho đến chất lượng sản phẩm. Bởi thông thường, khách hay có xu hướng quay lại những quán ngon. Nên việc bỏ phí 1 khách là bỏ đi 1 cơ hội, kiếm tiền, mưu sinh.
Cô chia sẻ, ngày trước cô chẳng bao giờ dùng tới điện thoại vì nghĩ rằng công việc của mình không cần thiết. Nhưng từ ngày được "thượng đế" gợi ý sử dụng để đi giao hàng, cô thấy hiệu quả hơn rất nhiều.
"Có ngày đỉnh điểm, tôi giao tới các văn phòng, cơ quan tận 300 cốc thạch. Họ cứ đặt hàng vào trước 9 giờ sáng là khoảng 11 giờ trưa, tôi mang đến tận nơi. Nhiều hôm thấy tôi đi đường xa vất vả, mọi người còn bo thêm tiền" - cô Oanh nhớ lại.
Thay vì đến những quán hàng cao cấp, chị Phương Lan, nhân viên văn phòng ở Hà Nội lại chọn món thạch găng vỉa hè. Chị chia sẻ, do là dân Quảng Ninh gốc nên chị rất chuộng món thạch quê vừa an toàn, vừa rẻ lại giải nhiệt tốt.
"Tôi rất thích cách nấu chè, nấu thạch ở các gánh hàng rong, bởi nó có hương vị rất quê hương. Nên mỗi lần mua, tôi thường gọi hơn chục cốc để đãi cả nhà, bạn bè và đồng nghiệp" - chị Lan trải lòng.
An Chi